Dự kiến năm 2023, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất LOTUSat-1 sử dụng cảm biến radar có khẩu độ tổng hợp lên quỹ đạo, phục vụ ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” (thuộc Dự án Trung Tâm Vũ trụ Việt Nam) giữa Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) được tổ chức sáng nay (18/10), tại Hà Nội.
Mục tiêu của Gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là phát triển và đưa vào sử dụng thành công vệ tinh quan sát trái đất LOTUSat-1 sử dụng cảm biến radar có khẩu độ tổng hợp. Vệ tinh LOTUSat-1 có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.
Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống gồm Trạm mặt đất, Trung tâm điều hành vệ tinh, Trung tâm khai thác dữ liệu vệ tinh và hạ tầng công nghệ thông tin; Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao thông qua Khóa đào tạo vệ tinh nâng cao tại cơ sở chế tạo vệ tinh và Khóa đào tạo ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.
Vệ tinh LOTUSat-1 được thiết kế, chế tạo bởi tập đoàn NEC (Nhật Bản), dự kiến được phóng vào năm 2023. Quá trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được thực hiện tại nhà máy sản xuất vệ tinh của Tập đoàn NEC ở Nhật Bản. Đây là dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên được điều phối bởi một công ty Nhật Bản sử dụng vốn vay ODA theo điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” là dự án KH&CN trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực Công nghệ vũ trụ của Việt Nam sau năm 2020, đặc biệt trong việc ứng dụng phòng chống thảm họa thiên tai và chống biển đổi khí hậu.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, việc hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ tại Dự án này cũng là biểu tượng cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Công nghệ cao, trong đó có công nghệ vũ trụ, được xác định là ưu tiên phát triển của ngành KH&CN của Việt Nam. Hiện nay, Bộ KH&CN đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết kết quả thực hiện “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020” và xây dựng dự thảo Chiến lược vũ trụ cho giai đoạn sau năm 2020.
Các kết quả thực hiện của Dự án này nói chung và của gói thầu Vệ tinh LOTUSat-1 nói riêng chắc chắn là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng, phục vụ xây dựng Chiến lược vũ trụ của Việt Nam giai đoạn sau năm 2020. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được đào tạo trong quá trình triển khai Dự án sẽ là nền tảng quan trọng cho việc tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam trong giai đoạn tới”.
Trước đó, Dự án “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2009, đây là dự án trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.
Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu: Góp phần nâng cấp và phát triển hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, từng bước phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng của Việt Nam theo mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” qua đó phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao liên quan tới công nghệ vũ trụ.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết: “Việt Nam phải có vệ tinh riêng. Nếu chúng ta đi mua vệ tinh thì chúng ta mãi mãi chỉ đi mua và chúng ta ko thể tự chủ để phát triển những con vệ tinh riêng cho Việt Nam sau này. Còn nếu chúng ta làm chủ thì có thể từng bước chế tạo những con vệ tinh của riêng Việt Nam”.
Tạ Lan/VOV1