Lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ bị xử phạt thế nào?

  • 15/10/2019 03:09:53
  • PV tổng hợp
  • Xã hội
  • 0

Theo quy định của Nghị định 176/2013, ông chồng này sẽ phải chịu xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng.

 

Một sự việc "xưa nay hiếm" vừa xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Theo đó, chồng bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) đã bày mưu lấy cắp phôi thai của vợ để giúp cô "bồ" của mình là G.T.D, 45 tuổi ở Bắc Giang mang thai.

Ông chồng thủ đoạn lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện, đây là trường hợp hy hữu mà bà chưa từng gặp trong bao nhiêu năm làm công tác hỗ trợ sinh sản. Theo vị bác sĩ này, ngay khi nhận được đơn của bà N., trung tâm đã rà soát lại toàn bộ quy trình, đều thấy làm rất chuẩn. “Ông chồng quá thủ đoạn, chủ động đánh lừa các bác sĩ. Hơn nữa ông ấy có đủ hết giấy tờ bản gốc, người vợ đến cũng trả lời đầy đủ câu hỏi kiểm tra của bác sĩ”, bà Nhã nói.

 Bệnh viện Bưu điện, nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Website bệnh viện)

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, trộm cắp tài sản là hành vi xảy ra thường xuyên trong xã hội. Và việc trộm tài sản của vợ mang cho bồ cũng không hiếm nhưng việc chồng trộm phôi thai của vợ mang cho bồ là chuyện "xưa nay hiếm".

Về nguyên tắc thì mọi hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật, đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì phôi thai không phải là tài sản. Phôi thai là thứ không thể mua bán, không thể định giá được bằng tiền, không có đầy đủ các thuộc tính của tài sản nên không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã (Ảnh: KT)

"Hành vi của ông chồng và người phụ nữ “lạ mặt” trong trường hợp này cũng không phải là lén lút mà là gian dối, ông chồng và người phụ nữ kia đã dùng những thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để qua mặt cơ quan chức năng. Bởi vậy với hành vi lừa dối để chiếm đoạt phôi thai của người chồng và người phụ nữ này không đủ yếu tố để cấu thành tội trộm cắp tài sản cũng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật" - Luật sư Cường nhận định.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin từ phía Bệnh viện Bưu điện thì người chồng đã sử dụng giấy ủy quyền giả, giả chữ ký của vợ mình để thực hiện thủ đoạn qua mặt các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện này. Bởi vậy, cần làm rõ giấy ủy quyền đó có đóng dấu, chữ ký của cơ quan chức năng hay không (phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã phường).

Trong trường hợp người đàn ông này đã làm giả con dấu, giả chữ ký hoặc tẩy sửa văn bản của Cơ quan chức năng để lừa dối cán bộ, bác sĩ bệnh viện thì có thể xem xét xử lý người đàn ông và người phụ nữ này về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Làm giả con dấu giấy tờ để thực hiện hành vi trái pháp luật

Theo đó, Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì:

Luật sư Đặng Văn Cường

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10 đến dưới 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu”.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp này, cũng cần xem xét trách nhiệm của bệnh viện và cán bộ, bác sĩ có liên quan đến việc thực hiện thủ tục này. Trong trường hợp có sai sót về thủ tục, không làm hết trách nhiệm để cho người chồng và người phụ nữ lạ mặt kia qua mặt gây ra hậu quả "dở khóc, dở cười", gây bức xúc cho người vợ và làm giảm sút uy tín của bệnh viện. Trong trường hợp này, người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu bệnh viện phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại tổn thất về tinh thần đã gây ra đối với mình trong tình huống này.

Còn đối với người chồng và người phụ nữ là mặt kia thì người vợ hoàn toàn có quyền làm đơn trình báo tới cơ quan công an để được xem xét làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt phôi thai. Trong quá trình xác minh tin báo, nếu cơ quan công an có căn cứ cho thấy những người này đã làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức thì có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Phải siết chặt quản lý phôi thai tại bệnh viện

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Bưu Điện yêu cầu báo cáo rõ vụ việc, đồng thời, kiểm tra kỹ quá trình chuyển phôi thai. Nếu phát hiện có sai sót, phải xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân có liên quan theo đúng quy định hiện hành.

Ông Vinh cũng cho biết, theo báo cáo của Bệnh viện Bưu Điện, bệnh viện nhận diện quá trình chuyển phôi thai thông qua chứng minh thư. Tuy nhiên, chứng minh thư của chủ sở hữu phôi thai đã rất cũ. Vì vậy, việc người chồng “lấy cắp” phôi thai của vợ lưu tại bệnh viện, người chồng không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn khiến bệnh viện phải gánh chịu hậu quả. Hiện Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh viện phải rà soát lại quá trình lưu trữ phôi thai, cấy phôi, chuyển phôi. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện sai phạm”.

GS Nguyễn Viết Tiến (ảnh: KT)

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, việc siết chặt quản lý phôi thai tại các bệnh viện, trung tâm, là cách hiệu quả nhất để hạn chế những trường hợp tương tự vụ người chồng giả mạo hồ sơ để lấy phôi thai của vợ cũ cho tình nhân mới, xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) vừa qua.

GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang thúc giục các trung tâm, bệnh viện đưa vào ứng dụng quản lý bằng vân tay, mống mắt, kết nối các trung tâm sinh sản để tăng tính bảo mật. Song các bệnh viện và người dân phải đợi thêm một thời gian nữa thì hệ thống bảo mật cấp cao này mới có thể đi vào hoạt động.

Về các quy định pháp luật, GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết, ông chồng này sẽ phải chịu xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng, theo quy định của Nghị định 176/2013. Cũng theo Nghị định 176, cơ sở y tế sẽ bị phạt tùy mức độ../.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận