Đừng để thừa tài nguyên nước nhưng lo thiếu nước sạch

Trước tốc độ gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng cao, cần nhanh chóng có giải pháp cung cấp nước sạch cho dân.

 

Nhiều nơi vẫn còn sử dụng nguồn nước giếng tại chỗ trong sinh hoạt.

TPHCM là một đô thị có mật độ dân cư đông nhất nước, do vậy vấn đề nước sạch luôn là nhu cầu bức thiết. Thấy cũng được, xài không bị ô nhiễm. Cũng có nhà xài hai nguồn nước".

"Xài nước máy thì cũng có lúc hơi yếu thôi, không tới mức mất nước".

"Người dân hiện nay, địa bàn ấp 2, xã Hòa Phú là mới có nước sinh hoạt tại chỗ, năm nay là năm thứ 2. Nếu mà cho nước uống mà không cho nước thải đi thì cũng rất căng đối với vấn đề môi trường".

"Chỗ tôi mặc dù ngay mặt tiền đường Tô Ký nhưng mà chưa có nước máy, cả khu toàn xài nước giếng tại vì cũng đang làm đường này nọ. Cho nên nếu nói đảm bảo 100% cho sức khỏe thì không đạt. Vì khi bơm lên phải xả 15 phút, khi thì nửa tiếng cho trong rồi đưa lên bồn lọc nhưng có bị vàng nước không như nước máy mình được".

Theo phản ánh, trên một số địa bàn, người dân vẫn chưa tiếp cận được hệ thống cấp nước sạch của thành phố. Nhiều nơi vẫn còn sử dụng nguồn nước giếng tại chỗ trong sinh hoạt, vừa không đảm bảo chất lượng vệ sinh, vừa phát sinh ô nhiễm môi trường. Thậm chí các quận trung tâm thành phố, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước giếng để tiết kiệm chi phí.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trạng cấp nước sạch trên địa bàn đang ổn định. Cụ thể, tổng công suất cung cấp nước sạch hiện là 2,4 triệu m3/ngày, công suất vận hành phát nước của thành phố là hơn 1,8 triệu m3/ngày. Các nhà máy nước còn lượng công suất dự phòng là khoảng 500.000 m3/ngày. Nếu theo đúng kế hoạch phải đến sau năm 2025, 100% hộ dân được cung cấp nước sạch, tuy nhiên thành phố đã hoàn thành vào tháng 1/2017.

Thế nhưng, ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng thừa nhận, ngành nước đang gặp khó khăn trong vấn đề thất thoát nước và vệ sinh nguồn nước.

"Nhìn chung nước sạch ở TP.HCM 100% người dân đã được tiếp cận với nước sạch thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc ngành nước phải làm, đó là thất thoát trong vận chuyển từ nguồn cấp nước chuyển về người dân còn rất lớn. Điều này không tránh khỏi, qua hơn 40 năm phát triển và tái thiết đất nước, chắc chắn phải gặp những chuyện này. Như vậy nước của mình khi ở đầu nguồn đã uống được chưa? Khẳng định là uống được rồi. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển của đường ống chúng ta phải tính toán lại để đảm bảo vệ sinh môi trường".

Công nhân Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Định sửa chữa ống nước trên đường Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận - Ảnh: Tuổi trẻ

Nguyên nhân, theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM, nhiều hạng mục công trình cấp nước của thành phố qua nhiều năm chưa được cải tạo. Thành phố chưa có bể chứa nước để lưu trữ và phân phối mà chuyển trực tiếp từ nhà máy xử lý đến từng hộ dân; dẫn đến áp lực nước cung cấp lúc được giữ yên trong đường ống, lúc bị đẩy đi tạo nên độ lắng cặn và màu nước bị thay đổi. Đó là lý do, chất lượng nước tại nguồn tốt, đạt chuẩn nhưng khi qua đường ống cấp nước đến người dân thì một số chỉ tiêu nước không còn đảm bảo chất lượng. Ngay cả vấn đề xử lý nguồn nước thô đầu vào cũng còn nhiều bất cập.

"Hệ thống cấp nước của thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện tại, cũng như nhu cầu phát triển tương lai của đất nước. Hiện nay, nguồn nước thô của thành phố được khai thác từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn nhưng vị trí địa lý của thành phố nằm cuối lưu vực. Do đó, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương dọc theo khu vực sông là rất lớn. Và thành phố không thể kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thành phố đang đứng trước sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố. Khả năng ứng phó, chống chịu đến những diễn biến bất ngờ hiện nay cũng là vấn đề đặt ra cho thành phố".

Mặc dù vấn đề cấp nước của thành phố trong những năm qua đã được cải thiện, tuy nhiên về lâu dài nguồn nước thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan khẳng định: "Quy hoạch cấp nước của thành phố cần được xem xét điều chỉnh hoặc làm quy hoạch mới trở nên cấp bách. Trước đây chúng ta làm quy hoạch chỉ nghĩ tới mình, chỉ nghĩ tới trước mắt, còn bây giờ mình làm quy hoạch phải nghĩ tới chuyện lớn hơn. Quy hoạch cấp nước phải gắn với sử dụng nước thải. Phải gắn quy hoạch thành phố với quy hoạch cấp nước của vùng, quy hoạch cấp nước phải gắn với an ninh nguồn nước, phải chú ý sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm và phải có mô hình quản lý phù hợp".

Đừng để thừa tài nguyên nước nhưng lo thiếu nước sạch

Sông Sài Gòn đứng trước nguy cơ ô nhiễm bởi đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Ảnh: Quỳnh Danh/Zing

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế về hệ thống sông ngòi. Cho thấy vấn đề nước ngọt ở TPHCM là không thiếu, tuy nhiên việc khai thác nước sạch lại không hiệu quả. Dù là một đô thị lớn của cả nước nhưng thành phố hiện vẫn chưa có quy hoạch về khai thác tài nguyên nước.

Hệ thống đường ống cấp nước qua nhiều năm đã cũ, dễ bị hỏng, gây thất thoát nước, làm giảm chất lượng nước sạch; không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Việc phân bố cấp nước chưa đồng đều, có nơi thấp, nơi thì cao; tập trung ở trung tâm thành phố, khiến lưu lượng nước ngầm mất cân đối.

Bên cạnh đó, dưới tốc độ phát triển đô thị, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm nguồn nước thô ngày càng nghiêm trọng. Chưa kể hạ tầng, kỹ thuật, thiết bị quan trắc, xử lý nước ô nhiễm của thành phố còn lạc hậu. Năng lực quản lý của nhà nước và doanh nghiệp còn yếu kém.

Ngoài ra, vấn đề ý thức của người dân trong việc sử dụng và đảm bảo nước sạch cũng cần phải bàn. Trong khi chính quyền thành phố nỗ lực hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch thì người dân có nơi vẫn chưa chịu sử dụng, do thói quen sinh hoạt cũng như sợ tốn thêm chi phí.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với nhiều đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là hơn 680.000 m3/ngày đêm. Việc tràn lan khai thác mạch nước ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và giảm chất lượng nguồn nước. Đáng lưu ý khi tại các đô thị lớn, mực nước đang bị hạ thấp trung bình khoảng 0,3m/năm.

Chưa kể, thói quen sử dụng nước sạch không tiết kiệm, sai mục đích của người dân. Ngay cả ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân cũng chưa tốt, thường xả rác nước thải trực tiếp xuống cống, sông, kênh rạch, gây nghẹt hệ thống thoát nước. Kéo theo nhiều vấn đề ô nhiễm, sụp lún, ngập úng, xâm nhập mặn…

Về góc độ quản lý, thành phố cần sớm hoàn thiện chiến lược quy hoạch lại hệ thống cấp nước có tầm nhìn, kêu gọi đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng cấp nước. Nhất là có giải pháp giảm bớt tốc độ bê tông hóa bề mặt, tăng cường mảnh xanh cho thành phố, xây dựng các công trình có ứng dụng xanh, thân thiện môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, quản lý cả về hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải.

Có chính sách khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, tuyên tuyền ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý các hộ dân khoan, đào giếng khai thác nước ngầm trái phép.

Đối với người dân cần thay đổi thói quen sử dụng nước tiết kiệm và đúng mục đích, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, trước vấn đề bức thiết của biến đổi khí hậu cũng như nguy cơ cạn kiệt nguồn nước sạch trong tương lai.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận