Gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc sư Thích Thanh Toàn- trụ trì chùa Nga Hoàng (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) sau khi có cáo buộc "gạ tình" một nữ phóng viên thì xin hoàn tục và đề nghị được sở hữu "khối tài sản 200-300 tỷ đồng".
Với đề nghị này của sư Toàn, thay mặt GHPGVN, Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN đã trả lời trên VOV.VN rằng: "Giáo hội sẽ định đoạt vấn đề tài sản, sư Toàn có thể hoàn tục mà không có tài sản gì".
Cũng xung quanh phát ngôn của sư Toàn về đề nghị sở hữu "khối tài sản 200-300 tỷ đồng", dư luận có nhiều thắc mắc giữa chuyện công đức cho chùa và công đức cho thầy.
Không thể có chuyện lẫn lộn tiền công đức cho chùa, công đức cho thầy
Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ: "Có những Phật tử rất rõ ràng, đến chùa thì phần này công đức cho chùa, phần này công đức cho thầy. Về cơ bản thì tiền công đức cho chùa sẽ được phục vụ cho các hoạt động chung của chùa như hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Tiền công đức cho thầy thì thầy sẽ sử dụng cho mục đích của thầy nhưng dù là mục đích gì thì cũng là để phục vụ cho Đạo, theo Hiến chương của Giáo hội".
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cũng chỉ rõ là phải sử dụng tiền công đức theo đúng mục đích, chủ trương của Giáo hội chứ không phải cho mục đích cá nhân. Đây là một phạm vi, một quan niệm để phân biệt giữa ranh giới công đức cho chùa và công đức cho thầy. Dù là mục đích cho cá nhân nhà sư sinh hoạt, đi lại, thì cũng là để phục vụ quảng pháp chứ không phải để sử dụng cho mục đích không đúng với quy định của Giáo hội.
"Tôi xin khẳng định, tài sản của chùa, tiền công đức của Phật tử là tài sản chung, không thể có chuyện lẫn lộn. Trụ trì là đại diện của Tăng đoàn, cho Tam bảo, nên việc tiếp nhận công đức không thể xác lập tài sản đó là của thầy. Các Phật tử cũng nên hiểu là cúng gì thì cúng, cũng là cúng cho Tăng đoàn", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Vì niềm tin tôn giáo, tăng ni cần phải hết sức giữ gìn
Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ: "Giáo hội không bao che cho cái xấu, mong muốn chuyển tải những thông điệp, bản chất tốt đẹp của đạo Phật để niềm tin trong xã hội tốt đẹp lên, góp phần để đất nước phát triển.
Giáo hội luôn giáo dục, kêu gọi các tăng ni nhận thức được vị trí của mình, cần phải hết sức giữ gìn, dù làm việc gì nhỏ nhất cũng phải nghĩ đến Đạo, nghĩ đến tôn giáo, nghĩ đến niềm tin, nghĩ đến hình ảnh của tổ chức GHPGVN.
"Có những việc dù là bản chất không sai nhưng xã hội nhìn nhận điều đó là không đúng, thì cũng không được làm. Chúng ta phục vụ mọi người thì phải biết hy sinh cho xã hội. Đó là điều Giáo hội mong muốn".
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Đối với Giáo hội, đây là một câu chuyện rất buồn. Qua đây, GHPGVN cũng nhận ra khuyết điểm về quản lý tăng sự, chưa được sát sao, nghiêm minh khi để đương sự nhiều lần vi phạm mà không giải quyết triệt để; Trong cách giải quyết công việc chưa có sự tham vấn trực tiếp, phối hợp đồng bộ giữa các cấp"./.
Thượng tọa Thích Đức Thiện: "Tôn giáo như một tờ giấy trắng, chỉ một chút bụi thôi thì cả xã hội nhìn nhận rất có vấn đề, bởi vì đó là biểu tượng của niềm tin, biểu tượng của đạo đức xã hội, biểu tượng của đạo hạnh.
Đạo Phật vốn là tôn giáo của hòa bình, tôn giáo của từ bi, tôn giáo của trí tuệ. Với truyền thống hơn 2.000 năm ở Việt Nam, thì cho dù thế nào đi nữa, Phật giáo cũng là niềm tin của đại đa số người dân Việt Nam."
Hồng Minh/VOV.VN