Chính thức thông xe đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Hà Nội thông xe, đưa vào khai thác đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đúng dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô.

 

Sáng ngày 10/10, đúng dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội tổ chức thông xe, đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện các bộ, ngành dự và cắt băng thông xe tuyến đường.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình cấp bách, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô.
"Việc hoàn thành thông xe giai đoạn 1 tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn; Tạo thuận lợi về mặt bằng để các đơn vị của Bộ GTVT thi công tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, từng bước kép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch GTVT của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt", ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe, đưa vào khai thác tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh NK.

Trước đó, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án có tổng chiều chiều dài toàn tuyến là 5,5km. Điểm đầu từ Km0+000 (ngã tư Mai Dịch); điểm cuối là Km5+500 (cầu Thăng Long). Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.824 tỷ đồng.

"Sau khi thông xe, tuyến đường này sẽ giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn như: nút giao Nguyễn Hoàng Tôn, nút giao Cổ Nhuế và nút giao Hoàng Quốc Việt", ông Tuấn cho biết.

Được biết, dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là một trong 52 công trình trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là một trong những công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về việc giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu)...

Ngay sau lễ thông xe, tuyến đường đã được đưa vào khai thác, phục vụ người dân lưu thông, giảm áp lực giao thông trên tuyến./.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được UBND TP Hà Nội phê duyệt và khởi công vào cuối năm 2016. Đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng với chiều dài 5,5km. Mặt cắt ngang quy hoạch rộng từ 56m - 93m; mỗi bên bố trí từ 4 - 6 làn xe; vỉa hè rộng trung bình từ 4,5m - 8m.

Tuyến đường được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc 2 bên; hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn, hào kỹ thuật, tuyến ngang đường; vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông và khớp nối đồng bộ với dự án cầu cạn do Bộ GTVT làm Chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện, Dự án đã phải di chuyển, bảo vệ trên 1.000 cây xanh dọc 2 bên tuyến đường; trồng mới 1.522 cây xanh bóng mát (cây Giáng Hương và cây Bàng Đài Loan...) và hàng chục nghìn mét vuông cây bụi (cây Hồng Lộc; Nguyệt Quế; Dương xỉ...).

Di chuyển hệ thống công trình ngầm nổi: Di chuyển, bảo vệ hạ ngầm 13 cột điện cao thế 110kV (chiều dài 1,6km) từ Mai Dịch đến Siêu thị Mega Market; trên 10km đường điện trung thế, hạ thế (22kV; 0,4kV) và trạm biến áp; di chuyển, bảo vệ 25 tuyến cáp thông tin của 18 cơ quan (khoảng 50 tuyến cáp); di chuyển, hạ ngầm Giếng nước thô H9 của nhà máy nước Mai Dịch...

Diện tích giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến là 169.636,56m2 trải dài trên địa bàn 2 quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm. Khối lượng GPMB là rất lớn, bao gồm 877 hộ (677 hộ đất ở, 135 hộ đất nông nghiệp, 65 hộ gia đình sử dụng đất tổ chức), 57 cơ quan, 14 ngôi mộ (mộ dòng họ Nguyễn Khả, mộ dòng họ Nguyễn Lưu).

Tổng mức đầu tư dự án là 3.113 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội, trong đó: Chi phí giải phóng mặt bằng 1.824 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị: 954 tỷ đồng.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận