Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn là vùng trọng điểm lúa gạo, nông sản, thủy sản của cả nước, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn mà nhà nông, doanh nghiệp chế biến thủy sản và các công ty sản xuất nông phẩm tại các tỉnh, thành phải đương đầu bao năm qua. Giải pháp nào để nhà tuyển dụng tìm được người lao động phù hợp nhu cầu và ngược lại, người lao động có môi trường làm việc tốt, yên tâm đương đầu với những thách thức của quá trình hội nhập?
Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, lao động vùng ĐBSCL năm 2017 đạt 10,6 triệu, tăng 0,45% trong giai đoạn 2012-2017, quy mô lao động nông nghiệp, nông thôn giảm, tỷ suất di cư thuần liên tục âm. Có một đặc điểm đáng lưu ý là lực lượng lao động đang có xu hướng già hóa.
Nhiều năm nghiên cứu Thị trường lao động – việc làm khu vực phía Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực cho biết: Vùng ĐBSCL giai đoạn 2019 – 2025 nhu cầu nhân lực 500.000 người/ năm, phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí tài chính, thương mại…
Tuy nhiên, quy mô và tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, với công nghiệp 4.0, cơ cấu – lao động việc làm sẽ có những thay đổi khác biệt so với sản xuất truyền thống.
Dù ĐBSCL là vùng được hỗ trợ đào tạo lớn nhất cả nước, nhưng hiệu quả đào tạo nghề lại thấp nhất, với 78,3% lao động được đào tạo có việc làm (trung bình cả nước là 81,3%), thì nguồn lao động tại ĐBSCL sẽ mãi “cung không đủ cầu”, sự thiếu hụt lao động sẽ tiếp diễn.
Để cải thiện nguồn lao động tại ĐBSCL, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, nguồn nhân lực cần thay đổi quan điểm học tập và lao động, cần tiếp cận hệ thống giáo dục – đào tạo mở để có những thay đổi rất căn bản là từ đào tạo chuyên môn hóa sâu sang đào tạo đa kỹ năng cho người lao động.
Một là phải có nghề nghiệp phù hợp, phù hợp với bản thân, phù hợp với cấp bậc học, phù hợp với điều kiện, sở trường phát huy được. Thứ hai phải có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Thứ ba là có kỷ luật, gồm đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ những tiêu chuẩn, quy chuẩn nghề nghiệp. Thứ 4 là công nghệ thông tin, ngành nghề nào bây giờ cũng ứng dụng công nghệ thông tin, không có công nghệ thông tin không giải quyết được vấn đề. Thứ 5 là ngoại ngữ, phải tiếp cận ngoại ngữ mới mở mang được sự nghiệp, mới hội nhập được. 5 yếu tố này, hình thành một nguồn chất lượng, người ta gọi là nhân lực chất lượng cao. Ai làm được điều này thì thành công, sẽ rất nhiều việc làm và tạo được nhiều cơ hội việc làm", ông Tuấn nói.
Cùng với đổi mới tư duy học tập, lao động ngoài nước từ lâu được xem là một trong những giải pháp tích cực để góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, nâng cao thu nhập giúp lao động trẻ có tay nghề tiếp cận với môi trường làm việc văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Cần Thơ cho rằng: Việc xuất khẩu lao động có thể tạo sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, nhưng việc xuất khẩu chính là tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sau này.
"Khi mà làm việc ở nước ngoài, các em trang bị một kiến thức về ngành nghề. Khi về nước, họ có thể làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như đóng trên địa bàn Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh", ông Toàn cho hay.
Thêm một giải pháp được xem là “phao cứu sinh” giải quyết không ít khó khăn cho người lao động, chính là chính sách Bảo hiểm thất nghiệp. Qua 10 năm thực hiện, số người tham gia và đóng Bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng. Tuy nhiên, quyền lợi của Bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa được người lao động hiểu rõ cặn kẽ.
Mới đây, tại Hội nghị Truyền thông về việc làm diễn ra tại Cần Thơ, ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết: Tính từ đầu năm đến tháng 7/2019, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL là 2 vùng được tư vấn việc làm lớn nhất cả nước, với số lượng lần lượt là 42.505 lượt và 56.924 lượt, hai vùng chiếm tỷ lệ 60,8%.
Như vậy sau Đồng Bằng Bắc Bộ, đến lượt ĐBSCL tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng cần nắm rõ những thay đổi của Bảo hiểm thất nghiệp, từ đó có giải pháp đưa chính sách này đến với người lao động, giúp họ yên tâm hơn khi làm việc.
"Phải nâng cao năng lực, hiệu quả, hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp, để làm sao mà kịp thời hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Và chúng ta cũng cần phải tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền làm sao mà bản thân người lao động, tiếp cận được thông tin, xác định được cái quyền và lợi ích chính đáng của mình", ông Tú cho hay.
Tính đến hết tháng 6/2019, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ: Khu vực ĐBSCL đã thu hút được 1.609 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 22,3 tỉ USD. Và ĐBSCL dần trở thành thị trường đầu tư “màu mỡ” cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng lao động từ đó tăng theo. Song, thực trạng rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có vẫn đang tồn tại.
Để giải quyết thực trạng này, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm – Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh tại Hội nghị truyền thông về việc làm mới diễn ra tại Cần Thơ: "Trong phát triển thị trường lao động, có phát triển kết nối cung cầu, trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề thông tin về thị trường lao động, gắn kết giữa vấn đề đào tạo và vấn đề việc làm, xóa bỏ cơ chế xin cho trong tuyển dụng. Liên quan đến vấn đề người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, chúng ta không nên có cách nhìn một chiều, chúng ta phải nhìn nhận đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ở 4 vị trí chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật, nhà quản lý, là những người đến với chúng ta để khắc phục sự thiếu hụt về người lao động, trong bối cảnh chúng ta đang phát triển theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cũng kiên quyết những việc lao động Việt Nam đáp ứng được thì cũng không tuyển lao động nước ngoài".
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động – việc làm phía Nam, giai đoạn 2019 – 2020, đến năm 2030, thị trường lao động khu vực phía Nam, trong đó bao gồm ĐBSCL tiếp tục có những chuyển biến lớn, gia tăng nhiều cơ hội việc làm. Do vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ cần nghiên cứu thị trường lao động trọng điểm, phân khúc thị trường, chính sách nhập khẩu lao động, yêu cầu của từng thị trường... Tăng cường liên kết, hợp tác với các quốc gia sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới; đồng thời, có xu hướng tăng nhanh khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho lao động trẻ, nhằm cân bằng nguồn nhân lực ở từng địa phương./.
Hồ Phương/VOV.VN