"Nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân phải là chủ thể." Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã nêu rõ quan điểm này tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020. Hội nghị do UBND tỉnh tổ chức sáng 4/10 tại thành phố Thái Nguyên.
Thái Nguyên bắt đầu xây dựng NTM từ lúc xuất phát điểm thấp hơn bình quân chung trong cả nước, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 4,85 tiêu chí/xã, có gần 45% số xã dưới 5 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 10,94 triệu đồng, trong khi cả nước là 12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước…
Tuy nhiên với cách làm chủ động, sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận chung vai góp sức của nhân dân, sau 10 năm thực hiện Chương trình đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 88/139 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã; có 2 đơn vị cấp huyện là thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thành công chương trình từ cơ sở, anh Đặng Văn Sử, bí thư chi bộ xóm Cà Phê, Xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cho biết, trước tiên cấp uỷ chi bộ, chính quyền xóm ban công tác mặt trận phải sát sao với công việc của địa phương, để truyền đạt ý tưởng đến bà con nhân dân cùng thực hiện. “Ví dụ về tiêu chí môi trường phải gương mẫu thực hiện sẵn sàng làm mọi việc vì xóm làng thì mới thành công”, anh Sử cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chúc mừng những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua, qua đó có đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đồng thời nêu rõ, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2030,
Phó Thủ tướng đề nghị, Thái Nguyên cần quán triệt quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể, tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp, phục vụ sự phát triển nông thôn Thái Nguyên.
“Nông thôn mới là quá trình thường xuyên liên tục, tiếp tục tính tới nông thôn mới nâng cao, toàn quốc đã chọn 5 huyện và hướng dân xây dựng tiêu chí để các tỉnh thực hiện", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Thái Nguyên nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản vùng xâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ATK, căn cứ cách mạng.
Dịp này thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương lao động hạng nhất cho ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên; Huân chương lao động hạng 3 cho ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên./.
Văn Hiếu/VOV.VN