Nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị: Chờ đến bao giờ?

Vấn đề về nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị đã được đề cập rất nhiều song đến thời điểm này đây vẫn là một bài toán không dễ tìm ra lời giải.

 

Chưa bao giờ nhu cầu về nhà ở trở nên cấp thiết như hiện nay.

So với năm 2009, dân số TP.HCM đã tăng 1,8 triệu người, trung bình tăng 183.000 người/năm. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch; 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư…

Với những người này, nhà ở có vai trò hết sức quan trọng. Đó không đơn thuần chỉ là nơi ở, mà nó còn là tổ ấm, bởi “an cư” thì mới “ lạc nghiệp”. Thế nhưng đối với một bộ phận lớn người lao động có thu nhập thấp việc tạo lập 1 căn nhà nhỏ, một chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn đang là một ước mơ rất xa xỉ.

Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị ngày càng tăng. Ảnh: Báo TNMT

"Lương vợ hai chồng mình khoảng 10 triệu, tăng ca thì nhiều hơn. Ráng "cày" để sinh con ra nuôi nấng cho dễ. Nếu có kiểu nhà ở cho công nhân thì không biết mình có mua được hay không, không biết giá nó như thế nào nhỉ?".

"Lo chứ sao không. Lo lắm! Giờ mình có cháu nội, cháu ngoại rồi. Trên này mình ở nhà trọ chật hẹp quá, nó không có tốt. Có căn nhà bự bự, rộng hơn thì khỏe hơn còn ở đây nghèo khổ thì ở đại, chứ giờ mình muốn cũng không được. Thôi từ từ, trời cho tới đâu thì hay tới đó, sống ngày nào hay ngày đó chứ biết sao giờ".

"Nhà thì ai lại không mong nhưng có cái là với không nổi thôi. Ước mong làm sao để có cái nhà nho nhỏ khoảng năm chục mét vuông thôi cũng được, chứ không cần đến miếng đất lớn. Lớn hơn gấp đôi cái nhà, cái phòng trọ này cũng rất là tốt rồi".

Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng dù đã hoàn thành các chỉ tiêu về nhà ở song cũng thừa nhận công tác phát triển nhà ở vẫn còn gặp không ít khó khăn về thủ tục hành chính, công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án định giá đất, xác định chủ đầu tư dự án; thiếu nguồn vốn trung và dài hạn…

Ông Nguyễn Văn Sinh đề nghị: "Đề nghị TP tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung TP đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất dành cho phát triển nhà ở; rà soát, bố trí và công bố quỹ đất cụ thể để phát triển từng loại nhà ở và đặc biệt là quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội".

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM, giá nhà ở hiện nay còn quá cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập trung bình, trong khi thị trường lại quá thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền; thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.

Đưa ra lời giải cho bài toán này, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng cần chú trọng mô hình phát triển dự án khu dân cư quy mô lớn tại các quận ven và huyện ngoại thành: "Đây là mô hình tối ưu, đã phát triển trong hơn 20 năm qua của TP. Hình thành các khu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, có đầy đủ tiện ích dịch vụ, dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau".

Thực tế, việc xây dựng bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, các doanh nghiệp đã phải linh động tìm nhiều giải pháp để có thể tìm được hướng đi ổn định.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết thêm: "Đối với mảng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, chúng tôi đã đưa ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà. Và để cho người nghèo sở hữu được thì chúng tôi đặt ra vấn đề vị trí. Vị trí phải là những vùng ven TP. Bởi giá nó thấp hơn và chúng tôi giải ngân chống kẹt xe cho TP. Chúng tôi đặt ra diện tích 30 m2 đến 45 m2, giá 400-500 triệu đồng/căn. Khi làm nhà ở cho người có thu nhập thấp chúng tôi lai căn giữa sở hữu vĩnh viễn và thuê. Thời hạn thuê trên 50 năm".

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ Tịch UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp thu và khẩn trương đưa ra các giải pháp phù hợptrong thời gian tới: "TP sẽ nghiên cứu sâu hơn quy hoạch những khu để có thể phát triển các dự án nhà ở xã hội tạo điều kiện để chúng ta kêu gọi đầu tư. Thứ hai nhà nước sẽ nghiên cứu bổ sung thêm những cơ chế, chính sách mới hỗ trợ cho người thu nhập thấp để có được nhà, hỗ trợ cho doanh nghiệp để có điều kiện để đầu tư phát triển các khu đô thị. Thứ ba là nhà nước hỗ trợ về thủ tục, vì thủ tục hành chính trong xây dựng nhà ở thì rất phức tạp".

Nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị - chờ đến bao giờ?

Vấn đề về nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị đã được đề cập rất nhiều song đến thời điểm này đây vẫn là một bài toán không dễ tìm ra lời giải. Và trên thực tế, một bộ phận lớn người đô thị vẫn đau đáu một ước mơ về ngôi nhà của riêng mình. Thế nhưng bản thân họ cũng không biết sẽ phải chờ đến bao giờ giấc mơ ấy mới có thể thành hiện thực?

Một bộ phận lớn người đô thị vẫn đau đáu một ước mơ về ngôi nhà của riêng mình. Ảnh: Báo Xây dựng.

TP.HCM cùng các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương…trong những năm qua được xem là vùng kinh tế đầu tàu của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Kéo theo đó là quá trình gia tăng dân số cơ học và những hệ quả liên quan trong đó có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh sự xuất hiện ngày càng nhiều những tòa nhà chọc trời, những khu đô thị mới đắt tiền…là những khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội, thiếu thốn.

Ở góc độ nào đó thì các khu nhà trọ này đã hoàn thành nhiệm vụ xã hội của mình khi trở thành nơi trú chân cho hàng triệu lao động thu nhập thấp ở đô thị. Tuy nhiên đa số các khu nhà trọ hiện nay xuống cấp khá nhanh, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Điều này mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả người ở và xã hội.

Thực tế trong nhiều năm qua, TP.HCM nói riêng và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt những bất cập còn tồn tại trong thời gian qua thì số lượng nhà ở được tạo ra cho đối tượng này không khác gì “muối bỏ biển”.

Nút thắt lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… nhưng lại quy định lợi nhuận từ nhà ở xã hội chỉ được tối đa là 10%.

Hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Đó là chưa kể, nhà ở cho người thu nhập thấp lại ở xa trung tâm, tính kết nối giao thông, giao thương không thuận lợi nên khó thu hút.

Theo các chuyên gia, để tháo điểm nghẽn mang tên nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị hiện nay là sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính; có cơ chế phù hợp để tạo quỹ đất sạch; tháo nút thắt về thuế, thời hạn về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó đưa ra mức giá thuê, mua phù hợp với thu nhập của người dân.

Không chỉ vậy, cần đồng bộ hóa các giải pháp tạo việc làm, ổn định thu nhập, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng tương ứng… để đảm bảo hiệu quả của dự án nhà ở thu nhập thấp. Sớm chuẩn hóa và đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà” như truyền thống để vừa giảm chi phí xây dựng nhưng lại tăng được số lượng và công năng sử dụng nhà.

Rõ ràng về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp cũng đã có và đang được hoàn thiện từng bước. Vấn đề còn lại là hành động của các cấp, các ngành trong việc hiện thức hóa ước mơ sở hữu ngôi nhà cho người thu nhập thấp cần phải được làm thực chất hơn, không chung chung, đề xuất.

Trong đó có việc đáp ứng các điều kiện mà các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này mong muốn; đồng thời trong chiến lược phát triển nhà ở đô thị cần có tầm nhìn dài hạn về giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp; tránh để tình trạng phát triển ồ ạt rồi bỏ quên nhà ở cho nhóm đối tượng này; sau đó lại loay hoay giải quyết mà vẫn không tìm được lối ra như hiện nay./.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận