Bộ Công an đề xuất cấm dùng điện thoại khi lái ô tô cho phù hợp Công ước quốc tế

Theo Bộ Công an, các quy định về quy tắc giao thông đường bộ của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn chưa nội luật hóa một số quy định của Công ước Viên.

 

Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Công an đề xuất luật hóa cấm dùng điện thoại khi lái ô tô (ảnh minh họa: AFP)

Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều bất cập. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật, đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Với phạm vi điều chỉnh rộng và khác xa nhau như vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do đó, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là thực sự cần thiết.

Dựa trên kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế về các chính sách quản lý trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an nghiên cứu và đề xuất thay đổi bảy nhóm chính sách cơ bản khi xây dựng luật mới như hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; đi đường bộ; quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; Vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

Đáng chú ý, một số quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Công ước Viên 1968 mà Việt Nam tham gia chưa được nội luật hóa vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành, cần phải khắc phục.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động còn người điều khiển ô tô không quy định; tuy nhiên, Công ước Viên bắt buộc Luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng di động khi phương tiện đang di chuyển.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định xe ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn (Điều 9 khoản 2); tuy nhiên, Công ước Viên lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.

Bên cạnh đó, Điều 30 và Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe thô sơ không được đi dàn hàng ngang và phải đi theo hàng một.

Tuy nhiên, việc đi hai hàng hay nhiều hàng sẽ không cần quy định đối với các tuyến đường dành riêng cho loại phương tiện khi đó nếu tình trạng bề rộng mặt đường đủ điều kiện sẽ tổ chức giao thông phù hợp theo hình thức này. Do đó, trong trường hợp kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đạt đến được mức độ nhất định sẽ không cần quy định này nữa.

Cùng với đó, còn một số nội dung khác chưa phù hợp giữa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với Công ước Viên 1968 như: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, ký hiệu quốc gia trên xe rơ moóc, điều kiện, kỹ thuật của phương tiện, quy tắc dành cho người đi bộ hiện nay đang được bảo lưu.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Công an đề xuất sẽ quy định cụ thể những vấn đề này trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trang Linh/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận