Tại cuộc họp Hội đồng Giáo dục Quốc gia về công tác thi cử ngày 25/9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, “từ năm 2021 mà vẫn thi như cũ là lạc hậu”.
“Lúc bấy giờ, tình hình thế giới và tình hình giáo dục đã khác mà vẫn tổ chức thi như vậy là lạc hậu vì không sử dụng được kết quả của công nghệ mới trong giáo dục. Với một nền giáo dục số hóa, một nền giáo dục mang tính mở, luôn luôn tiếp cận với kết quả của cách mạng công nghiệp, chúng ta lúc đó có thể thi theo một hình thức “ảo hơn” và chắc chắn hơn, như học sinh vừa trả lời câu hỏi xong là máy đã chấm xong điểm xong và không phải tổ chức chấm thi…”, ông Dong nói.
Cũng tại đây, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề xuất phương án cho năm 2021, Bộ GD-ĐT vẫn dựa trên một số trụ cột chính, với 3 nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính ổn định của lộ trình thi và tuyển sinh, không gây sốc cho xã hội. Đồng thời kế thừa những thành tựu, kết quả, kể cả những sản phẩm của giai đoạn 5 năm 2015-2020 và tăng cường ứng dụng các thành tựu của khảo thí, đo lường, đánh giá, tiếp cận với các phương thức đánh giá mà các nước tiên tiến sử dụng.
“Từ năm 2021, chúng ta sẽ chịu tác động của Luật Giáo dục sửa đổi, nên khi kết thúc lớp 12, những học sinh không có nhu cầu thi tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp không đỗ sẽ được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình”, ông Trinh nói.
Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo ban hành quy chế, thanh kiểm tra, giám sát, tổ chức chấm thi trắc nghiệm, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi và đề thi chung; UBND các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương; các cơ sở giáo dục Đại học tham gia giám sát quy trình tổ chức thi, chấm thi và chấm phúc khảo.
“Kỳ thi 2020 là bước chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi về số lượng và chất lượng để tổ chức thi trên máy tính, đồng thời chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin. Chúng tôi đang nỗ lực đạt mục tiêu chuyển đổi được sớm nhất có thể”, ông Trinh cho biết thêm.
Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình thực hiện phương án thi, tuyển sinh được xác định, trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi, nhất là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Nội dung thi chủ yếu là lớp 12 và trong chương trình THPT./.
Thiên Bình/VOV.VN