Có nên chi 86 tỷ đồng làm bức phù điêu 'Lạc Long quân - Âu Cơ'?

  • 24/09/2019 02:50:00
  • Thành Long
  • Xã hội
  • 0

Dự án chi 86 tỷ đồng làm bức phù điêu 'Lạc Long Quân - Âu Cơ' của tỉnh Bình Định đang vấp phải dư luận trái chiều trong nhân dân.

 

Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Dự án có chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ” và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết” (viết tắt: phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ). Bức phù điêu này tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, đoạn giao nhau giữa đường Võ Nguyên Giáp - Đống Đa - Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn. Công trình dài 80m, cao 36m, diện tích khoảng 25.000m2, kinh phí trên 86 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh đầu tư 34 tỉ đồng, còn lại huy động xã hội hóa)… Dự án này gây dư luận trái chiều trong nhân dân.

Bức phù điêu được tạc thành 3 lớp, khắc họa hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ, 18 vị vua Hùng và các nhân vật đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam (mỗi dân tộc khắc họa 1 nam và 1 nữ). Phương án thực hiện là cắt, đục sâu vào vách núi Bà Hỏa hình cánh cung từ 10-25m để tạc thẳng phù điêu vào vách núi tự nhiên.

Hiện trạng núi Bà Hỏa dự kiến sẽ làm Phù Điêu.

Ông Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Bí thư Thành ủy Quy Nhơn cho rằng, quy hoạch lại nút giao thông này là cần thiết, vì đây là nút giao thông huyết mạch của thành phố Quy Nhơn. Nhưng việc tạc tượng vào vách núi cần xem xét cẩn trọng. Ông Hiểu nêu 4 vấn đề lo ngại, đó là chất liệu đá của núi Bà Hỏa có đảm bảo để điêu khắc công trình; việc điêu khắc công trình tại đây sẽ gây mất an toàn giao thông; bố cục của bức phù điêu chưa phù hợp, “rối rắm”; kinh phí sẽ phát sinh lớn hơn.

Ông Nguyễn Tấn Hiểu cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước cần phải cân nhắc: "Phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm là phương thức rất tốt. Nhà nước chịu phần bạt núi làm quảng trường, làm hạ tầng. Các nhà đầu tư thì làm phù điêu. Nói chung, tiền nào cũng là tiền của nhân dân thôi, tính toán không kỹ thì sau này tốn kém ngân sách và cũng tốn kém cho nhân dân. Nhưng nếu cái đó là thủy tổ của Việt Nam mình thì nên để ở Việt Trì, Phú Thọ hoặc Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hơn là để ở tỉnh Bình Định".

Cùng quan điểm này, ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, làm dự án cũng rất tốt. Tuy nhiên, vị trí tạc tượng là ngã 6 thành phố Quy Nhơn, một nút giao thông quan trọng. Vì vậy, muốn làm được dự án thì phải tính toán bảo đảm an toàn giao thông. Theo ông Vũ Hoàng Hà, khi đã có một quy hoạch giao thông mang tầm chiến lược, nếu lãnh đạo tỉnh quyết tâm làm phù điêu vách núi thì nên lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên môn về địa chất, mỹ thuật, văn hóa lịch sử, điêu khắc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

"Phải có quy hoạch về cơ sở hạ tầng, chủ yếu là giao thông của ngã 6 này. Phải có cầu vượt, phải có vòng xuyến để từ đó mới xác định phù điêu, dù đi trên cầu vượt hay dưới không che khuất tầm nhìn. Kinh phí đành rằng phải có sử dụng ngân sách nhưng phải hạn chế tối đa, hay phần xã hội hóa cũng phải đưa vào ngân sách quản lý chứ không phải xã hội hóa là bỏ ra quỹ riêng để chi cho việc này", ông Hà nhấn mạnh.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giải thích, dự án này mới chỉ đưa ra thăm dò, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, nếu đồng thuận thì làm. Thực tế, UBND tỉnh Bình Định đang đầu tư kinh phí triển khai dự án cải tạo giao thông tại ngã 6 này. Sau đó, một doanh nghiệp đề nghị tài trợ xây dụng bức phù điêu để tạo dấu ấn cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn. Do vậy, UBND tỉnh mới trình phương án xây dựng bức phù điêu. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, sắp tới sẽ lấy ý kiến nhân dân để triển khai dự án này trên cơ sở không dùng tiền ngân sách.

"Chúng tôi cũng đã tổ chức lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, sắp tới sẽ lấy ý kiến của người dân xem thử ý tưởng của nhà tài trợ làm bức phù điêu như vậy có phù hợp, có đẹp không, có ảnh hưởng gì không. Nếu như ảnh hưởng thì không làm. Tôi khẳng định việc đó, chứ không có 1 đồng tiền ngân sách nào lấy ra để làm bức phù điêu cả. Và tôi cũng nói rõ nếu như việc đó không phù hợp, ảnh hưởng đến đi lại mà không mang lại hiệu quả thì tỉnh không làm", ông Dũng nói./.

Thành Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận