Phát triển cao tốc: Bất cập bộc lộ trong quá trình đầu tư

  • 03/09/2019 04:39:00
  • Quách Đồng - Nguyễn Yên
  • Xã hội
  • 0

Việc làm cao tốc thời gian qua cho thấy không ít bất cập, chưa làm xong đã hỏng, quá tải rất nhanh chỉ sau vài năm vận hành, hành lang cao tốc không đảm bảo...

 

Chỉ trong vòng 7 năm từ 2012-2019 cả nước đã có thêm 838km cao tốc được xây mới và đưa vào sử dụng cùng hàng loạt các dự án khác đang đồng loạt triển khai. Mục tiêu đến năm 2020 có 2.000km cao tốc là hoàn toàn khả thi.

Tuy vậy thực tế làm cao tốc thời gian qua cho thấy không ít bất cập, chưa làm xong đã hỏng; quá tải rất nhanh chỉ sau vài năm vận hành, hành lang cao tốc không đảm bảo… ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, đặc biệt là an toàn giao thông khiến dư luận băn khoăn về nguy cơ sốt sắng xây cao tốc mà nới lỏng tiêu chuẩn.

Theo Bộ GTVT, đến nay, trên cả nước đã có 977km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác. Dự kiến đến cuối năm năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 66km cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Đến năm 2020, dự kiến 4 tuyến cao tốc khác sẽ đồng loạt hoàn thành gồm: Bến Lức - Long Thành (38km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Bắc Giang - Lạng Sơn (64km) và Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (5km).

Ngoài ra còn 14 dự án cao tốc khác với tổng chiều dài 811 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, khi đó sẽ nâng số km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác lên khoảng 2.002km.

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của hệ thống cao tốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng trong những năm vừa qua.

Tuy vậy, trước tình trạng một số cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã gặp vấn đề về chất lượng công trình, một số người tham gia giao thông không khỏi băn khoăn:

"Bản thân mình thì hay đi đoạn Hà Nội - Bắc Ninh và gặp rất nhiều lần xe khách phanh gấp do đường bị sụt lún nên là không duy trì được tốc độ làm mình mất nhiều thời gian hơn khi đi qua đoạn đường này".

"Không thu phí thì tôi thấy hợp lý vì mặt đường chưa hoàn thiện nhiều. Sắp tới nếu còn thu phí có khi chạy đường cũ thôi".

"Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bắt đầu xuống cấp rồi. Nhiều chỗ sụt lún làm cho các phương tiện giao thông khi đi lại gặp khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa".

Từng tham gia thẩm tra an toàn giao thông nhiều quốc lộ và cao tốc, ông Đào Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và thông tin, Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng không ít cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng bề mặt bê tông nhựa, hằn lún vệt bánh xe, lún ở những vị trí đầu cầu, cống.

Có thể kể ra như các công trình Cao tốc Long Thành - Dầu Giây nứt ngay sau khi vừa thông xe; Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún, nứt sau 5 tháng thông xe; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai sụt lún chỉ sau 3 ngày thông xe… Ông Đào Huy Hoàng nhận xét:

"Rất nhiều đoạn tuyến cao tốc sau một thời gian đưa vào khai thác thì có tình trạng mặt đường xuống cấp và mặt đường bị võng. Ngoài các điểm võng về mặt đường thì nó có tình trạng nguy hiểm hơn là hằn lún vệt bánh xe và lún đầu cầu".

Không chỉ là vấn đề chất lượng mặt đường, mà một số đoạn tuyến được coi là cao tốc cũng nhanh chóng bị quá tải sau một vài năm đưa vào khai thác.

Điều này xảy ra với không ít dự án như: đường vành đai 3 trên cao, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… Anh Phạm Anh Tuấn ở Hoàng Mai, Hà Nội, một tài xế thường xuyên lưu thông trên cao tốc Pháp vân -  Cầu Giẽ cho biết: "Tôi đi từ khi tuyến đường mới hình thành và cho tới hiện tại thì tuyến đường này đã trở nên quá tải. Mặc dù đã được đầu tư mở rộng nhưng tuyến đường này vẫn tiếp tục di chuyển khó khăn, vận tốc không đạt với vận tốc của đường cao tốc. Nnhững nhà làm chính sách chưa tính toán được sự phát triển của lưu lượng giao thông cũng như nhu cầu đi lại nên quá tải và không đáp ứng được nhu cầu của người dân".

Tình trạng một số cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã gặp vấn đề về chất lượng công trình.

Một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự nới lỏng về tiêu chuẩn đường cao tốc.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn năm 1997, mỗi chiều đường cao tốc phải có tối thiểu 2 làn xe chạy và 1 làn dừng xe khẩn cấp.

Nhưng TCVN 5729:2012 ban hành năm 2012, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác.

Nếu so với TCVN 5729:1997 ban hành năm 1997, các tiêu chí thiết kế kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam đã được hạ xuống khá nhiều. Thậm chí có tình trạng cao tốc 2 làn xe, quốc lộ được tân trang rồi biến thành cao tốc.

GS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, đường 2 làn xe thì chỉ xem như tiền cao tốc, hay thậm chí quốc lộ vì tốc độ lưu thông chỉ 80 km/h:

"Thực tế trên thế giới có 2 loại đường là express way với chất lượng cao hơn đường thông thường 1 chút và đường free way theo tiêu chuẩn cao của đường cao tốc. Tất cả các đường cao tốc đã được xây dựng hiện nay đều cao hơn đường thông thường nhưng nó chỉ là loại đường express way, chứ chưa phải là loại đường free way, loại A".

Ông Lại Huy Xuân, Phó tổng giám đốc Công ty 238, đơn vị được giao quản lý, khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, với cao tốc, tiêu chí an toàn bao giờ cũng cao nên yêu cầu đặt ra với công tác đảm bảo ATGT cũng cao hơn, phải thường trực 24/24 để đảm bảo khi có sự cố phải có phương án đảm bảo ATGT ngay. Với các tuyến đường cao tốc phải trực 24/24, đặc biệt trong ngày lễ phải trực quân số đông hơn:

"Việc duy trì an toàn trên đường cao tốc thì chủ yếu là việc trông coi vì có nhiều thiết bị an toàn giao thông trên đường cao tốc cần được bảo vệ như hệ thống biển báo, hệ thống rào chắn, phòng vệ mềm, hệ thống lưới B40, hệ thống chiếu sáng đều được đầu tư đồng bộ và nhiều hơn thì công tác duy tu, bảo dưỡng cũng vất vả hơn".

Hơn 800km cao tốc được đưa vào sử dụng trong vòng 7 năm qua, là con số ấn tượng, thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, ngành giao thông thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển hệ thống cao tốc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố vững chắc an ninh - quốc phòng.

Và thực tế, kinh tế - xã hội các địa phương, vùng miền nơi có cao tốc đi qua đã chứng kiến sự phát triển rất mạnh mẽ trong những năm vừa rồi. Giao thương, đi lại của người dân, doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm lớn thời gian và chi phí xã hội.

Rõ ràng, việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh hệ thống cao tốc làm "đòn bẩy" cho giao thông và phát triển đất nước là chủ trương hết sức đúng đắn.

Song, với những bất cập bộc lộ trong quá trình đầu tư xây dựng cao tốc như vừa nêu, đặt ra yêu cầu, ngành giao thông cần có sự đánh giá thẳng thắn, nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho các dự án tới đây, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, vì muốn về đích vội vàng mà dễ dãi nới lỏng các tiêu chuẩn cần có của cao tốc, dẫn đến kém chất lượng, kém hiệu quả, và nguy hiểm hơn là không đảm bảo an toàn giao thông.

Quách Đồng - Nguyễn Yên/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận