Chiều 30/8, trao đổi với các phóng viên, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông chiều 28/8, đến thời điểm này, tại Trung tâm Chống độc có khoảng 12 người đến khám, kiểm tra và làm các xét nghiệm ngộ độc thủy ngân, trong đó có 10 phóng viên tác nghiệm tại hiện trường và 2 người dân ở gần đó.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, những người đến khám, làm các xét nghiệm đều có các biểu hiện ban đầu là chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi. Qua kiểm tra, khám, tình trạng các bệnh nhân đến khám vẫn trong trạng thái ổn định, khám lâm sàng không có dấu hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ kiểm tra những vấn đề cần thiết liên quan đến vụ cháy nói chung, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu.
Liên quan đến xét nghiệm ngộ độc thủy ngân, BS Nguyên cho biết, Trung tâm vẫn đang làm các xét nghiệm, cố gắng sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất. “Đây là xét nghiệm khó, mất thời gian. Vì vậy, Trung tâm sẽ cố gắng trong cuối ngày hôm nay (30/8) sẽ có kết quả sớm nhất cho các bệnh nhân”- BS Nguyên cho biết.
BS Nguyên cho biết, trong một vụ cháy sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm độc khác nhau phụ thuộc vào môi trường, cơ sở sản xuất và đặc thù sản phẩm… Bởi vậy, trong nhiều trường hợp liên quan đến các vụ cháy, nạn nhân sẽ có nguy cơ bị ngộ độc khí (CO), hơi nóng, ngộ độc thủy ngân.
BS Nguyên chia sẻ, do đây là cơ sở sản xuất bóng đèn, nếu trong điều kiện bình thường, có thể nguy cơ nhiễm độc thấp, kể cả khi có vỡ ra thì nguy cơ ngộ độc thủy ngân cũng thấp. Tuy nhiên, như trong vụ cháy vừa qua, nhiệt độ cao, thủy ngân sẽ bốc hơi, bay trong không khí thì sẽ gây nguy cơ ngộ độc với người hít. Tuy nhiên, BS Nguyên cũng cho biết, nguy cơ ngộ độc thủy ngân cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nồng độ, thời gian tiếp xúc, môi trường khép kíp hay không khép kín hay phụ thuộc vào chiều gió, ngược hay xuôi chiều gió, lứa tuổi.
BS Nguyên cho rằng, những người có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao là những người trực tiếp tham gia cháy, hít phải hơi nóng khói cháy trong thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, những người có biểu hiện bất thường như khó chịu như: ho nhiều, tức ngực, đau bụng, nôn, choáng váng, tê chân tay... thì cũng cần phải đi kiểm tra.
“Nguy cơ ngộ độc sẽ có nhưng có thể cao hoặc thấp, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Những người ở khoảng cách xa, không hít phải hơi nóng, khói cháy thì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sẽ thấp hơn Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như lính cứu hỏa, công nhân trong môi trường đó hay người dân trực tiếp tham gia cứu hỏa, người ở lâu trong môi trường cháy, hít nhiều phải khí hơi nóng nên đi kiểm tra sức khỏe”- bác sĩ Nguyên cho biết.
Không có cách giải độc thủy ngân tại chỗ
BS Nguyên cho biết, khi phát hiện người nghi nhiễm độc thủy ngân việc đầu tiên cần làm là phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi môi trường khí độc. Sau đó tiến hành rửa da, mắt bằng nước sạch tại chỗ và nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Tuy nhiên, theo BS Nguyên, đến nay vẫn không có cách nào có thể giải độc thủy ngân tại chỗ.
“Tại bệnh viện, sẽ có rất nhiều cách để giải độc thủy ngân. Trong đó, phổ biến và khá hiệu quả là thuốc giải độc. Trường hợp này sẽ dùng thuốc gắp để thải thủy ngân ra khỏi cơ thể”- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
BS Nguyên cho biết, hiện nay những thuốc giải độc liên quan đến nhiễm độc thủy ngân vẫn còn đang thiếu rất nhiều. Vì vậy, cũng cần phải có cơ chế điều phối thuốc giải độc trong những trường hợp như này.
Với ngộ độc thủy ngân cấp, nếu không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn, nếu điều trị sớm sẽ có hiệu quả. Nếu để lâu sẽ dẫn đến những tổn thương về thần kinh là rất đáng lo ngại.
Về nguy cơ nhiễm độc của người dân xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông, BS Nguyên cho biết, hiện tất cả chỉ mang tính chất dự đoán, để khẳng định chính xác, cần phải có kiểm tra, đo lường về môi trường, chất lượng không khí, nguồn nước, và việc này cần làm sớm, làm ngay./.
Theo vov.vn