Điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định: Chỉ là giải pháp tình thế?

Việc tổ chức cắm biển, khai thác 25 cặp điểm đón, trả khách tuyến cố định cho thấy biện pháp quản lý được tiếp cận từ nhu cầu của người tham gia giao thông.

 

Những lưu ý nào cần được tính đến để các điểm dừng đón trả khách phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo ATGT?

Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo về việc tổ chức cắm biển và đưa vào khai thác đối với 25 cặp điểm đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy biện pháp quản lý đã được tiếp cận từ nhu cầu có thực của người tham gia giao thông và doanh nghiệp vận tải.

Vậy, có những lưu ý nào cần được tính đến để các điểm dừng đón trả khách phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo ATGT?

Báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có 450 doanh nghiệp vận tải với hơn 4.600 phương tiện, hoạt động tại 6 bến xe, kết nối với 41 tỉnh, thành phố trên cả nước. Do mật độ phương tiện cao, nhu cầu đi lại lớn nên việc hình thành các điểm đón trả khách cho xe tuyến cố định trở thành nhu cầu bức thiết.

Tuy nhiên, tại Hà Nội, do thiếu điểm dừng đón trả khách cho xe tuyến cố định nên nhiều trường hợp hành khách ngồi chờ 2 bên đường để bắt xe. Lý giải về việc không vào bến mua vé, một số hành khách cho biết:

“Vào bến phải gửi xe, đi bộ cũng khá xa. Mình đứng đây thoáng đãng thì có xe cái là mình lên luôn”.

“Mỗi lần về quê là phải ra tận bến xe nước ngầm mua vé rồi mới về được. Mình cũng thấy bất tiện”.

“Nếu vị trí của mình ở tuyến đường từ bến xe Mỹ Đình về quê thì vẫn bắt xe ở trên đường được. Còn nếu vị trí của mình nó không nằm ở đấy thì bắt buộc phải ra bến xe”.

Việc thiếu điểm dừng đón trả khách cũng khiến các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định gặp khó. Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó giám đốc HTX Vận tải Hoàng Việt (Vĩnh Phúc) cho biết, cả một chặng dài từ các bến trên địa bàn Hà Nội đến Vĩnh Phúc, lái xe không có điểm dừng đón trả khách nào. Điều này rất bất lợi cho hành khách và cho cả doanh nghiệp vận tải:

“Đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xem xét và bố trí các điểm tuyến cố định cho chúng tôi dừng đỗ, không bây giờ suốt một chặng đường dài chúng tôi không có một biển cố định để chúng tôi đỗ được, cứ ra bến là chúng tôi phải chạy và nếu chúng tôi dừng đỗ thì lái xe sẽ bị phạt”.

Trước nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp và hành khách, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp khảo sát, lập danh sách 25 cặp điểm có khả năng bố trí dừng đón trả khách cho xe tuyến cố định. Các điểm dừng đỗ này phân bố dọc theo các quốc lộ hướng vào thành phố như Quốc lộ 32, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 6…

Ông Nguyễn Tuyển, Phó Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo và được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận danh sách những điểm dừng đỗ này, đồng thời cho phép Sở GTVT Hà Nội thí điểm 2 cặp điểm dừng trên cầu vượt Kim Chung, thuộc đường Võ Văn Kiệt và 1 cặp điểm dừng tại km 8+200 thuộc Quốc lộ 2 (gần lối vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai):

“Khi bố trí các điểm dừng cho xe khách liên tỉnh trên địa bàn TP Hà Nội thì chúng ta cũng phải lường trước đến những yếu tố để đảm bảo TTATGT. Vì vậy TP. Hà Nội cũng giao cho Sở GTVT xây dựng quy chế để quản lý những điểm đó khi đi vào hoạt động để làm sao đảm bảo việc đi lại của nhân dân thuận tiện và không ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông. Và hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng quy chế báo cáo Thành phố”.

Ông Nguyễn Tuyển cũng cho biết, sau khi thí điểm với 2 cặp điểm dừng cũng như hoàn thành Quy chế quản lý, Sở GTVT Hà Nội sẽ chính thức đưa 25 cặp điểm dừng đón trả khách cho xe tuyến cố định vào hoạt động.

Đánh giá về nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, về mặt nhu cầu là rất cần thiết và nhiều địa phương đã thực hiện việc thiết lập các điểm dừng, đón trả khách cho xe tuyến cố định. Tuy vậy, ông Quyền cũng lưu ý, các điểm dừng đón trả khách cần được xây dựng dựa trên nhu cầu đi lại của hành khách:

“Trước hết là khảo sát xem yêu cầu khách quan, nhu cầu đi lại của hành khách, người ta hay đón xe và xuống xe ở những vị trí nào. Phải lấy cái đó làm gốc chứ không phải theo ý kiến chủ quan của nhà quản lý hoạch định trên bản đồ, theo dự kiến chủ quan sẽ không đi vào cuộc sống”.

Đồng tình quan điểm này, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường đại học Việt Đức cũng cho rằng, cùng với việc lập các điểm dừng, đón trả khách cho xe tuyến cố định, lực lượng chức năng cần mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp nhà xe dừng đón trả khách sai nơi quy định. Về phía hành khách cũng cần hình thành thói quen khi đi xe cần vào bến để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và mất an toàn giao thông:

“Bến xe Mỹ Đình đang đề xuất với Thành phố siết chặt quản lý đón khách bên ngoài bến xe, phạt nặng những đơn vị đón xe không đúng điểm đón quy định. Phải áp dụng những giải pháp về công nghệ, trong đó camera an ninh để xử phạt nguội là mấu chốt để chúng ta xóa sổ những bến cóc, bến dù”.

Bao nhiêu điểm dừng đón thì được coi là đủ?

“Bố trí điểm dừng đón xe khách tuyến cố định, chỉ là giải pháp tình thế”

Đề xuất bố trí 25 điểm dừng đón trả khách cho xe khách tuyến cố định của thành phố Hà Nội, dù nhìn theo góc nào cũng là giải pháp mang tính chất tình thế trong điều kiện không thể cản được thói quen tùy tiện của người cung cấp và sử dụng dịch vụ vận tải.

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng gần như bất lực với tình trạng đón trả khách tùy tiện của xe khách tuyến cố định hiện nay, việc bố trí đủ điểm dừng đón trả khách đủ điều kiện chắc chắn sẽ giúp việc đón trả khách thuận tiện và an toàn hơn. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là: Bao nhiêu điểm dừng đón thì được coi là đủ?

Phương án mà Hà Nội đang nghiên cứu là 25 điểm. Nhưng nếu 25 điểm dừng đó chỉ là những điểm dừng đón đơn giản, không mang quy mô bến xe thì về cơ bản vẫn rất khó quản lý để quá trình đón trả khách diễn ra một cách trật tự, an toàn.

Điều này thực tế đã xảy ra với các điểm đón trả của xe buýt. Hầu hết các điểm dừng xe buýt hiện nay đều thường xuyên gây ra tình trạng xung đột giao thông, trong khi thời gian dừng đỗ xe buýt là rất ngắn. Với xe khách tuyến cố định, thời gian dừng đỗ dài hơn, do tuyến dài, tình trạng lộn xộn và xung đột giao thông sẽ nghiêm trọng hơn.

Nếu xây dựng những điểm dừng đỗ quy mô lớn, đồng nghĩa với việc tái tạo các bến xe nhỏ trong thành phố, điều mà mất rất nhiều năm Hà Nội mới cố gắng để giải tỏa.

Vậy giải pháp cho câu chuyện này là gì?

Thứ nhất, việc tùy tiện đón trả khách tuyến cố định có nguyên nhân từ việc người dân ngại di chuyển vào bến khi chỉ có nhu cầu di chuyển ngắn. Với những chuyến đi mà khoảng cách dưới 100km, thời gian di chuyển chỉ dưới 2 tiếng đồng hồ nhưng lại mất thời gian di chuyển tới bến xe mất tới nửa tiếng, thậm chí cả tiếng đồng hồ, là điều khó được chấp nhận.

Vì thế, với những tuyến vận tải dưới 100km, điều cần làm là chuyển sang hình thức vận hành như xe buýt và sử dụng bến xe buýt. Hình thức vận tải tuyến cố định chỉ áp dụng đối với các tuyến vận tải có cự ly trên 100km.

Thêm một câu hỏi cần đặt ra, là nếu ngay cả những tuyến dài thì điều gì khiến người dân vào bến bắt xe thay vì bắt dọc đường?

Thứ nhất, cần sự nghiêm túc của các cơ quan chức năng, xử phạt nặng, rút giấy phép các nhà xe vi phạm dừng đón sai quy định và bán vé trực tiếp.

Thứ hai, khuyến khích người dân mua vé trước, mua càng sớm càng rẻ, như hình thức bán vé máy bay. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xe buộc phải ứng dụng công nghệ, hoặc sử dụng các dịch vụ bán vé điện tử.

Khi áp dụng các biện pháp này, một trong những vấn đề nảy sinh là sẽ khiến các nhà xe nhỏ, lẻ gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, đây là cái giá phải trả để xã hội vận hành một cách quy củ, văn minh. Các nhà xe nhỏ lẻ, khi đó, muốn tồn tại buộc phải liên minh với nhau, như hình thức các hợp tác xã vận tải.

Việc bố trí thêm các điểm dừng đón trả khách cho xe tuyến cố định, vì thế, chỉ được coi là giải pháp tình thế, tạm thời. Không thể coi như một chủ trương bền vững cho công tác quản lý vận tải./.

Theo VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận