Việc mới đây Sở Giao thông vận tải TPHCM có đề án thu phí tự động ô tô vào khu nội đô với mục đích nhằm giảm kẹt xe đang dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều. Trong đó, đa số tỏ ra hoài nghi về đề án này.
Là lái xe cho một công ty ở quận 1, anh Hoàng Xuân Phú, cho biết, đề xuất thu phí vào nội đô của Sở GTVT không ảnh hưởng trực tiếp đến tài xế như anh vì tiền đó sẽ được công ty thanh toán, tuy nhiên đối với nhiều người có xe riêng nhưng đang làm việc tại khu vực nội đô thì không khỏi lo lắng, bởi đối với một xe ô tô, ngoài chịu phí đường bộ, phí đăng kiểm hàng năm, giờ lại phải gánh thêm phí vào khu vực nội đô nữa thì chẳng khác nào: “phí chồng thêm phí”. Đấy là chưa kể việc lập trạm thu phí có thực sự làm giảm nạn kẹt xe hay lại đẩy vấn nạn tắc càng thêm tắc.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ (PGS – TS) Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, không đồng tình với việc TPHCM đề xuất việc thu phí vào khu vực nội đô. Trước đây, hội đồng tư vấn phản biện cũng đã phản bác đề xuất này bởi vì tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Đầu tiên là việc khoanh thêm một vùng thì lại gây thêm ùn tắc ở những khu vùng ven khi người dân gửi xe nếu không muốn vào. Đó là chưa kể tới đề án chưa có phân tích, điều tra xã hội học bởi thực tế, kẹt xe xảy ra ở các cửa ngõ vào TP chứ khu trung tâm ít kẹt xe… Ông Ninh cho rằng, đề án này có thể là nhằm mục đích thu phí nộp ngân sách TP chứ không thể giải quyết được kẹt xe. Việc TP hoàn toàn có thể làm đề án thu phí khi có Nghị quyết 54 về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, theo PGS - TS Nguyễn Lê Ninh, cần phải lấy ý kiến nhân dân, điều tra xã hội học… rồi mới tính đến chuyện áp dụng.
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, về pháp lý, TP thu phí ô tô vào nội đô là không có gì sai. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay thì cần thí điểm trong một phạm vi nhỏ để đánh giá hiệu quả rồi sau đó mới nhân rộng.
Luật sư Trương Thị Hòa nói: "Tôi đề nghị thí điểm xem thời gian rồi báo cáo HĐND. Phải hạn chế bớt, ai có nhu cầu không phải là không cho vào, nếu không cho vào là hạn chế quyền đi lại, còn ở đây là biện pháp tài chính, biện pháp kỹ thuật thí điểm".
Trước ý kiến của dư luận, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, hiện đề án chỉ mới ở bước đề xuất xin chủ trương nghiên cứu. Sau khi thành phố đồng ý bố trí vốn thì mới lập nghiên cứu khả thi để xác định có làm được hay không. Khi có chủ trương nghiên cứu, đơn vị tư vấn sẽ tính toán lại các nội dung như: thu phí bao nhiêu? Thu phí vào giờ thấp điểm hay cao điểm? Mức phí thay đổi như thế nào?... Và việc thu phí sẽ được triển khai vào năm 2021, khi mà một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường Vành đai 2, tuyến metro số 1… đi vào hoạt động, cùng với hệ thống giao thông công cộng phát triển thì mới có thể triển khai đề án thu phí.
Cũng theo ông Lâm, một giải pháp đơn lẻ như thu phí ô tô vào nội đô thì không giải quyết được vấn đề mà phải kết hợp nhiều giải pháp như phát triển hạ tầng, tổ chức lại không gian đô thị, phát triển giao thông công cộng và cả giải pháp hỗ trợ hạn chế sử dụng xe cá nhân, cố gắng làm sao 10% người sử dụng ô tô chuyển sang giao thông công cộng thì sẽ góp phần giảm đáng kể ùn tắc. Trong quá trình thực hiện, ngành giao thông luôn ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia…
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói: "Sở rất cầu thị các chuyên gia trong và ngoài nước. Tìm các giải pháp để giao thông tp tốt hơn. Tất nhiên chúng tôi nhận thức là nghiên cứu gì, làm gì phải có sự đồng thuận của người dân. Quá trình nghiên cứu luôn lấy ý kiến góp ý phản biện của các nhà khoa học, các tổ chức liên quan để người dân cảm thấy hài lòng, mang lại thuận lợi, an toàn hơn."
Đề án thu phí vào nội đô được cơ quan chức năng lý giải là học theo mô hình của các nước như Thụy Điển, Singapore. Tuy nhiên, cần phải đối chứng về cơ sở hạ tầng giao thông giữa Việt Nam với các nước đó. Đó là chưa kể phương tiện giao thông công cộng của thành phố còn quá nhiều vướng mắc giải quyết nhiều năm nay chưa xong thì việc thực hiện một đề án thu phí như vậy liệu có hợp lý, hay lại tạo ra những dư luận cho rằng, cách làm này chỉ là để tận thu./.
Hà Khánh - Thanh Nguyệt/VOV.VN