Khi quà tặng ánh sáng được sẻ chia

  • 14/02/2019 03:00:29
  • Lưu Hường
  • Xã hội
  • 0

Đến nay, 15/63 tỉnh thành có người hiến giác mạc. Đặc biệt, năm 2018, số người hiến lên tới con số 109 (cao nhất từ trước tới nay).

 

Kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên ở nước ta diễn ra ngày 5/4/2007 cho tới nay, những nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái và sự sẻ chia đã luôn được thắp sáng và lan tỏa.

Rưng rưng kỷ niệm

Bé Hải An và mẹ - Câu chuyện em bé hiến giác mạc đã để lại dấu ấn đặc biệt khi lọt top 10 nhân vật truyền cảm hứng và top 5 đại sứ truyền cảm hứng của Giải thưởng WeChoice Awards diễn ra tối 5/1 vừa qua - là những đại diện tiêu biểu của câu nói “Mặt trời ẩn trong tim”. Việc làm của mẹ bé Hải An càng lay động lòng người khi giác mạc của người hiến không chỉ giúp cho đôi mắt 2 sinh mệnh khác được thắp sáng mà nghĩa cử cao đẹp ấy đã tạo nên một phong trào lan tỏa về việc hiến mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng. Đặc biệt, nó mang ý nghĩa nhân văn cao cả của người Việt khi truyền đi thông điệp “cho đi là còn mãi”.

Dù đã làm công việc thu nhận giác mạc hơn 10 năm nhưng mỗi trường hợp đối với anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương là một câu chuyện nhói lòng khi nhận được thông tin người hiến qua đời, các kỹ thuật viên (KTV) như anh phải gạt nỗi buồn để lên đường nhanh nhất có thể bởi thời gian “vàng” để thu nhận giác mạc chỉ từ 6-8 tiếng.

Anh Hoàng kể câu chuyện về bé Hải An: Hôm ấy trong những ngày đầu năm mới, Ngân hàng Mắt nhận điện thoại từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo có một bệnh nhi ung thư 7 tuổi (mất lúc 14h30 ngày 22/2/2018) muốn hiến cả tạng và kèm số điện thoại của chị Dương (mẹ bé) khiến mọi người chết lặng. Sau khi gọi điện chia buồn và kiểm tra lại thông tin, nhóm KTV lên đường nhận giác mạc.

“Nhìn gương mặt bé như một thiên thần đang ngủ, tôi bắt đầu công việc nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ phá giấc ngủ ngon lành kia khi người mẹ đặt nụ hôn lên trán con gái và nói "con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé". Kết thúc công việc, thấy sống mũi cay cay, tôi cố nén dòng lệ tuôn khi người mẹ ngắm cô bé và nói "mẹ tự hào về con!" - Hoàng rưng rưng nhớ lại.

Những lời độc thoại giữa mẹ và bé đã khiến các KTV Ngân hàng Mắt vô cùng cảm động và ấn tượng về người mẹ trẻ nghị lực và kiên cường. Đặc biệt, việc làm của bé Hải An được nhiều người biết đến sau khi anh Hoàng ghi lại cảm xúc này trên trang cá nhân của mình và được lan truyền rộng rãi. Từ đó, số người đăng ký hiến giác mạc tăng nhanh tại Ngân hàng Mắt và Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia.

Những ngày đầu thắp lửa yêu thương

Đến nay, đã có 15/63 tỉnh thành có người hiến giác mạc. Đặc biệt, năm 2018, số người hiến lên tới 109, trong đó riêng tỉnh Nam Định có 66 người (cao nhất từ trước tới nay).

Anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, Ngân hàng Mắt của BV Mắt Trung ương được hình thành từ dự án “Nâng cao năng lực điều trị các bệnh lý giác mạc bằng phương pháp ghép giác mạc” do Tổ chức Orbis tài trợ từ năm 2005. Trong dự án có kế hoạch xây dựng Ngân hàng Mắt đầu tiên của Việt Nam và cử các bác sĩ đi đào tạo về kỹ thuật ghép giác mạc, tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ mô hình ngân hàng mắt của Mỹ, Ấn Độ. Kỹ thuật thì thuần thục, tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để có giác mạc trong khi số người có nguy cơ mù lòa do hỏng giác mạc ngày một nhiều, mà chỉ chờ nguồn giác mạc từ người cho để thay vào.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng tuyên truyền cho người dân về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng giác mạc (ảnh: NVCC)“Đầu năm 2006, hai KTV của Ngân hàng Mắt được chuyên gia từ Mỹ sang đào tạo về kỹ thuật thu nhận giác mạc trên nhãn cầu. Những ngày đầu chưa có các trang thiết bị chuyên dụng mà chỉ là những kinh nghiệm từ các mô hình ngân hàng mắt nước ngoài đem về như: tờ rơi, mẫu đăng ký, tranh ảnh… Tôi và anh Sơn đã dịch và thiết kế lại các nội dung tuyên truyền, vận động người hiến giác mạc sao cho phù hợp với nền văn hóa Việt Nam trong khi nước ta chưa có luật về hiến mô tạng. Đến cuối năm 2006 tôi được cử sang Ấn Độ 3 tháng học về kỹ thuật thu nhận, đánh giá, bảo quản giác mạc trên người hiến”, Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt cho việc phát triển Ngân hàng Mắt sau này là khi có ca hiến giác mạc đầu tiên diễn ra ngày 5/4/2007. Sau rất nhiều cách truyền thông khác nhau, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (83 tuổi, ở xã Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã đồng ý hiến tặng giác mạc, giúp 2 người ghép thành công. Các cán bộ Ngân hàng Mắt đã tập trung vào việc tuyên truyền bằng cách tổ chức vinh danh, khám và mổ mắt miễn phí cho nhân dân địa phương có người hiến tặng giác mạc.

Cho đi là còn mãi

Cũng nhờ sự giải thích, tuyên truyền của lãnh đạo xã Cồn Thoi và linh mục Antôn Đoàn Minh Hải - Chính xứ Cồn Thoi thuộc giáo phận Phát Diệm người dân nơi đây đã hiểu, cảm phục việc làm đầy nhân ái của bà Hoa, ngay trong năm 2007 Ninh Bình đã có 9 ca hiến tặng giác mạc. Ngân hàng Mắt tiếp tục tập trung tuyên truyền thông qua các hình thức như: tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân và các bệnh viện, các tổ hưu trí, truyền thông thông qua các hoạt động khám mổ miễn phí, tập huấn cho các cộng tác viên, tình nguyện viên… Đến nay, Cồn Thoi là xã có người hiến giác mạc nhiều nhất của cả nước khi chiếm tới 1/5 số giác mạc mà Ngân hàng Mắt thu nhận được.

Lich mục Giuse Trần Hưng Đạo tại Lễ tôn vinh những người hiến giác mạc năm 2018.Có được kết quả này, cũng nhờ sự tác động của các chánh trương trùm trưởng và các vị linh mục nên giáo dân nhận thức và đồng thuận hiến giác mạc dễ dàng hơn. Tại lễ tôn vinh những người hiến giác mạc năm 2018, Giuse Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Caritas giáo phận Bùi Chu chia sẻ về thành công khi giáo phận Bùi Chu đã có 107 người được vinh danh. “Thời gian đầu, người dân chưa hiểu và rất sợ khi cho rằng lấy giác mạc là khoét mắt và bảo “khoét mắt thì chết thành con ma mù, không biết đường về nhà”. Chúng tôi vận dụng giáo lý đức tin của người công giáo để đưa từng điều, từng trang, từng câu phân tích cho người dân hiểu đạo lý và tình thương qua việc hiến tặng giác mạc”, Giuse Trần Đăng Khoa bày tỏ. Còn linh mục Giuse Trần Hưng Đạo, quản lý Tòa giáo mục kiêm Giám đốc Caritas giáo phận Bùi Chu chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, nghĩa cử cao đẹp này sẽ được nhân rộng để năm 2019 có con số nổi trội hơn. Đây là việc làm ý nghĩa, mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và cũng vì sức khỏe cộng đồng”. Câu nói của linh mục Giuse Trần Hưng Đạo như thắp lên ngọn lửa yêu thương về sự sẻ chia món quà ánh sáng khi hằng ngày, hằng giờ có rất nhiều người mù đang chờ được ghép giác mạc.

“Câu chuyện của cô bé Hải An đã truyền cảm hứng về lòng tốt, về sự sẻ chia và quan tâm giữa người và người. Câu chuyện ấy lan tỏa tới mọi người không chỉ là ngọn lửa bùng lên chốc lát mà nó sẽ cháy mãi”, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận