Chặn đăng kiểm vì chưa nộp phạt nguội: Giải pháp hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông?

  • 29/07/2019 04:05:00
  • Trung Tuyến - Quách Đồng - Nguyễn Yên - Nguyễn Phương
  • Xã hội
  • 0

Phương tiện bị từ chối đăng kiểm do chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông. Đây có phải giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả xử phạt giao thông?

 

Thời gian qua, đã có hàng nghìn phương tiện bị từ chối đăng kiểm do chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đơn vị đăng kiểm không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ là hỗ trợ công an trong việc buộc người dân chấp hành quyết định xử phạt.

Vậy, quá trình sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 46 sắp tới cần bổ sung ra sao để tạo căn cứ pháp lý cho việc này? Về lâu dài, có nên coi đây là giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả xử phạt giao thông?

Có mặt tại trạm đăng kiểm 29-03S, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong những trung tâm đăng kiểm thực hiện từ chối đăng kiểm đối với nhiều phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Thống kê của đơn vị đăng kiểm này cho thấy, bình quân mỗi tháng đơn vị từ chối khoảng 50-70 phương tiện. Việc từ chối phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt cũng gây ít nhiều khó khăn cho các chủ phương tiện, người vi phạm:

Theo thống kê của lực lượng CSGT, tỷ lệ người vi phạm tự giác chấp hành quyết định xử phạt của lực lượng chức năng khá thấp: Cục CSGT khoảng 70%, Hà Nội 50%, TP. HCM chỉ đạt 17,6%.

Từ thực tế này, từ năm 2015, Bộ GTVT đã ban hành thông tư 70, trong đó quy định: xe hết niêm hạn sử dụng; phương tiện đã có văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định thì không được kiểm định.

Do vậy, đơn vị đăng kiểm đã từ chối kiểm định với phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng. Về điều này, ông Nguyễn Minh Hải, giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03S cho biết: Việc phạt nguội phương tiện giao thông vi phạm cũng là một hình thức nữa để răn đe đối với chủ xe, lái xe để làm sao nâng cao tinh thần chấp hành Luật giao thông”.

Chặn đăng kiểm vì chưa nộp phạt nguội, có phải giải pháp hỗ trợ xử phạt vi phạm luật giao thông?

Tuy vậy, luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty luật Bắc Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, cơ quan đăng kiểm không có quyền từ chối đăng kiểm phương tiện nếu phương tiện vẫn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trong bối cảnh dữ liệu về cư dân, về phương tiện chưa cập nhật một cách chính xác thì việc chặn phương tiện vi phạm qua đăng kiểm có thể coi là giải pháp tạm thời: Nếu áp dụng quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới của Chính phủ mà áp dụng vào trường hợp này thì chưa thuyết phục. Đây có thể nói là khoảng trống về mặt pháp luật và nó chưa hoàn toàn thuyết phục”.

TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đó có CSGT, bảo hiểm, đăng kiểm và chính quyền địa phương là điều bình thường và rất cần thiết và được nhiều quốc gia áp dụng rất hiệu quả.

Do vậy, việc CSGT đề nghị đơn vị đăng kiểm từ chối đăng kiểm với phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt là hợp lý. Tuy nhiên, để đầy đủ cơ sở pháp lý, cần sửa đổi từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, trong đó quy định cơ quan đăng kiểm chỉ từ chối đăng kiểm phương tiện khi người vi phạm nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng trước khi họ đến đăng kiểm:

“Cái người vi phạm phải nhận được thông báo anh đã vi phạm và anh phải chấp hành quyết định xử phạt trước khi anh thực hiện các việc tiếp theo. Điều đó rất rõ ràng, mạch lạc”.

TS Trần Hữu Minh cũng cho rằng, để việc phạt nguội phát huy tối đa hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào các dữ liệu về phương tiện và người lái theo một địa chỉ cụ thể. Do vậy, nền tảng để quản lý phương tiện và người lái phụ thuộc vào hệ dữ liệu về địa chỉ dân cư một cách chính xác đến từng cấp phường, xã.

Trên cơ sở này, các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, CSGT và người dân có thể tra cứu, cập nhật thông tin về phương tiện để thực hiện trách nhiệm của mình, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông nói riêng và trật tự xã hội nói chung.

Với công nghệ hiện nay chúng ta có thể quản lý thông tin của người điều khiển phương tiện trên internet và trên các phương tiện kỹ thuật của CSGT để tra cứu, từ đó có chế tài xử phạt ngay mà không cần chờ đến đăng kiểm mới tiến hành xử phạt như hiện nay. Quan trọng là cơ quan chức năng xác định tầm quan trọng của việc này để có chính sách phù hợp.

Chủ trương đúng, cần thực thi đúng luật

 (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Để có thể áp dụng xử phạt nguội chủ phương tiện vi phạm luật giao thông, trong bối cảnh cơ sở dữ liệu quản lý phương tiện còn chưa hoàn chỉnh như hiện nay, cách duy nhất vẫn là dựa vào hệ thống đăng kiểm.

Vấn đề gây tranh cãi là thẩm quyền xử phạt của các cơ quan đăng kiểm. Nhưng, đây không phải vấn đề quan trọng nhất của câu chuyện phạt nguội.

Về nguyên tắc, cơ quan đăng kiểm không có quyền từ chối đăng kiểm phương tiện vì luật cấm từ chối đăng kiểm “nếu không có lý do chính đáng”. Cái “chính đáng” này vốn là một tính từ chỉ trạng thái, mỗi bên có quyền hiểu một kiểu. Từ chối do vi phạm luật giao thông có thể là một lý do chính đáng khi được luật hóa. Ở đây xuất hiện một yếu tố nữa là cơ quan đăng kiểm không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt.

Tuy nhiên, đây không phải vấn đề, vì lực lượng cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể biên chế cán bộ để lập biên bản và xử phạt các chủ phương tiện vi phạm khi họ mang xe đến đăng kiểm.

Chuyện phạt khi đăng kiểm phương tiện khó khăn ở một yếu tố khác, đó là sẽ có rất nhiều phương tiện đến hạn đăng kiểm thì đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trong khi rất nhiều phương tiện có thời hạn đăng kiểm trên 1 năm. Do đó, khi các phương tiện vi phạm đến đăng kiểm thì đã quá thời hiệu xử phạt. Do đó, áp dụng xử phạt vi phạm luật giao thông thông qua đăng kiểm sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các chủ phương tiện vi phạm.

Phạt nguội vi phạm giao thông là một chủ trương đúng, không cần bàn cãi. Nó giúp cho đường phố bớt đi những cuộc tranh luận phản cảm giữa cảnh sát giao thông với người vi phạm, bớt đi sự lãng phí thời gian của cả người vi phạm lẫn cảnh sát giao thông, bớt đi những cú điện thoại cho người thân, bớt đi sự tiêu cực để “cưa đôi” tiền phạt.

Quan trọng nhất, nó khiến người lái xe tự giác chấp hành luật giao thông khi biết rằng không thể thoát lỗi nhờ màu biển số xe, hay các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại.

Phạt nguội, nói cách khác là phương thức để xoá bỏ những đường “cong mềm mại” trong quan hệ ứng xử với luật giao thông của người lái xe, và lực lượng chấp pháp. Điều đó cũng có nghĩa phạt nguội là phương thức đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong việc thực thi và tuân thủ luật giao thông. Vì thế, nó phải được đảm bảo khả thi một cách minh bạch.

Hàng ngàn chủ phương tiện vi phạm giao thông đã cảm thấy bất ngờ khi bị từ chối đăng kiểm do không biết lỗi vi phạm của mình đã được ghi nhận từ trước đó. Bởi họ không được tống đạt quyết định xử phạt kịp thời sau vi phạm. Một chủ trương nhằm mang đến sự văn minh trong việc xử phạt vi phạm luật giao thông trở thành cú “đánh nguội” đối với nhiều người.

Một chủ trương được đưa vào thực hiện, song những điều kiện cần và đủ để nó trở nên khả thi vẫn chưa kịp chuẩn bị, thậm chí gây tranh cãi nhiều năm sau đó. Nhưng, nó có thực sự khó lắm không?

Để tống đạt quyết định xử phạt lỗi vi phạm, thực ra chỉ cần một trang web, hay đơn giản là một ứng dụng điện thoại mà mỗi chủ xe có thể đăng nhập bằng biển số của mình để nhận được thông báo ngay lập tức mỗi khi vi phạm. Nếu thấy việc xử phạt không thoả đáng, chủ xe có thể xem lại chứng cứ để hoặc là khiếu nại, hoặc an tâm nộp phạt. Nếu chây ì, họ sẽ phải nộp cả gốc lẫn lãi khi đi đăng kiểm mà không thể phàn nàn.

Nhiều năm thực hiện chủ trương phạt nguội mà không kịp chuẩn bị các cơ sở để thực hiện chủ trương. Đó là lỗi của các cơ quan chức năng liên quan, không phải lỗi người dân. Và người dân, phải đóng phạt dù không tâm phục khẩu phục, đó là họ đang phải gánh cái lỗi của các cơ quan liên quan.

Phạt nguội là cần thiết, song một chủ trương đúng nhưng phải thực hiện trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đủ khả năng đáp ứng thì cũng không khác gì một trường hợp đẻ non. Hoặc sẽ chết yểu, hoặc trở nên quặt quẹo như trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Một trang thông tin điện tử, hoặc một ứng dụng di động về thông tin xử phạt vi phạm luật giao thông không phải là việc quá khó để thực hiện. Chưa có thứ đó, phạt nguội trông giống như một động tác “sau lưng” nhân dân.

Đừng để một chủ trương đúng đắn phải trở thành què quặt chỉ vì một sự chậm chạp và quan liêu không đáng có. 
 

Trung Tuyến - Quách Đồng - Nguyễn Yên - Nguyễn Phương/VOVGiaothong.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận