'Đại biểu của dân mà tổ chức đám cưới cho con rình rang thì phản cảm'

Trong khi người dân còn phải vất vả mưu sinh, mà người đại diện cho họ lại thể hiện lối sống xa hoa như thế, quả thực là một hình ảnh phản cảm.

 

Mới đây, nhiều báo phản ánh việc bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới cho con trai tới 3 ngày với 4 bữa tiệc và hàng trăm mâm cỗ; cùng với đó, nhiều xe biển số xanh được nhìn thấy xuất hiện ở đám cưới con trai của nữ cán bộ này.

Xét trong bối cảnh, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sống mẫu mực, tiết kiệm, giản dị, tránh lãng phí, xa hoa, việc cán bộ tổ chức tiệc cưới cho con một cách rình rang khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Chưa kể, Sóc Trăng từng là tỉnh được xếp vào diện nghèo nhất ở khu vực ĐBSCL, trong khi người dân còn phải vất vả mưu sinh, mà người đại diện cho họ lại thể hiện lối sống xa hoa như thế, quả thực là một hình ảnh rất phản cảm.

Theo Quy định số 08 của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 1 trong 8 nội dung cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện là “Mẫu mực về đạo đức, lối sống… Thực sự cần, kiệm, liêm, chính…; trung thực, giản dị…” và 1 trong 8 nội dung phải kiên quyết chống đó là “Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực; sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí” hay “Để vợ, chồng, bố, mẹ, con cái, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; sống xa hoa, phô trương, lãng phí…”.

Soi lại quy định về nêu gương này cùng với Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương quy định 19 điều đảng viên không được làm, rõ ràng có thể thấy nữ cán bộ ở Sóc Trăng đã không tuân thủ quy định của Đảng.

Phản hồi thông tin trên báo chí, nữ cán bộ ở Sóc Trăng bày tỏ sự ái ngại “vì lần đầu tổ chức tiệc cưới cho con, lại công tác lâu năm, có nhiều quan hệ thân tình, anh em quý mến nên ghé chúc mừng, chứ không có ý gì”. Nữ cán bộ hứa sẽ rút kinh nghiệm sau vụ việc này.

Theo quan điểm của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nếu là người dân bình thường, nữ cán bộ ở Sóc Trăng có thể tùy ý tổ chức đám cưới cho con cái mình thế nào cũng được, không ai có ý kiến. Nhưng khi đã là cán bộ của Đảng, Nhà nước, lại là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, họ không chỉ phải làm gương cho cấp dưới mà phải biết giữ mình để tránh sa vào những vụ việc gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.

“Cán bộ đảng viên đã có quy định về nêu gương, có quy định 19 điều đảng viên không được làm. Là cán bộ đảng viên, lãnh đạo trước hết anh phải chấp hành chủ trương. Câu chuyện tổ chức ma chay, cưới hỏi rình rang rất nhiều cán bộ mắc phải. Nhiều người biện minh là do quan hệ, trước đây đã đi đám này, đám kia, giờ phải tổ chức để trả ơn, trả nghĩa. Nhưng theo tôi, không đến mức như vậy. Rất nhiều cán bộ tuân thủ quy định, họ chỉ tổ chức trong phạm vi cho phép. Ngay cơ quan của Quốc hội, nhiều người không được mời khi gia chủ đã tính toán số khách của gia đình, hai bên nội ngoại. Người không được mời cũng thông cảm với gia chủ. Dù có thể chỉ là vấn đề tình cảm, quan hệ nhưng đã là quy định của Đảng, Nhà nước rồi thì phải chấp hành”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm.

Qua vụ việc của nữ cán bộ ở Sóc Trăng và không ít vụ việc tương tự đã từng xảy ra, có thể thấy một thực tế, đó là, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa và xã hội của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa và xã hội của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bình luận, không chỉ là đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của một tỉnh, cơ quan cao nhất đại diện cho người dân giám sát hoạt động của chính quyền, mà lại đi ngược những quy định của Đảng, những điều cán bộ đảng viên không được làm, thì làm sao có thể làm gương cho những cán bộ, đảng viên khác.

“Qua sự việc này, cần cảnh báo cho tất cả cán bộ đảng viên, những cán bộ có chức có quyền, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội, phải là những người gương mẫu nhất. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu phản ánh rất đúng, rất trúng những vấn đề xã hội, người dân bức xúc, nhưng trong cuộc sống hằng ngày lại không làm những điều Đảng, Nhà nước, Quốc hội quy định, sẽ khiến người dân xem nhẹ uy tín của Quốc hội, niềm tin của người dân gửi gắm vào mỗi lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội cũng sẽ giảm đi”.

Hàng dài ô tô và một bãi xe máy trước đường vào đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng.

Vị Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn của UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm như vậy, đồng thời cho rằng, trong trường hợp này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần có những hình thức xử lý nghiêm để qua đó cảnh báo và răn đe những người khác có ý đồ khoe khoang của cải, danh tiếng, cũng có thể để kiếm chác, mưu lợi. Có như vậy, phép nước mới nghiêm, không nên chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi hòa cả làng.

“Phải xử lý kỷ luật, nhẹ nhất là với tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nữ cán bộ này cần phải công khai trước cơ quan báo chí xin lỗi về việc làm của mình, đã ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Nặng hơn, Tỉnh ủy cũng phải có hình thức cảnh cáo phù hợp. Chúng ta đang thực hiện quy định nêu gương, không thể để sự việc cứ thế trôi qua”, ông Nguyễn Túc nêu ý kiến./.

Hà Thanh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận