Hồ sơ bệnh án điện tử: Nhiều lợi ích cho người bệnh

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

Mỗi người bệnh có một mã số quản lý

Hướng đến mục đích phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.

Nguyên tắc thực hiện là mỗi người bệnh có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy. Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.
Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin, thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ. Trên cơ sở kết quả tư vấn của Hội đồng chuyên môn được quy định hoặc của đơn vị tư vấn độc lập, thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại mục 2, chương II, Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
Lợi ích của hồ sơ bệnh án điện tử

Nếu như trước đây, cán bộ công chức làm việc ở các cơ quan Nhà nước hay người lao động làm việc ở các doanh nghiệp mới thường xuyên khám sức khỏe định kỳ vì họ được cơ quan hỗ trợ tiền khám, thì nay ở những địa phương thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, người dân đã bắt đầu có thói quen khám chữa bệnh.

Bà Lê Thủy (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây chỉ những khi có bệnh, tôi mới buộc phải đến bệnh viện. Tuy nhiên từ khi trạm y tế phường Phúc Đồng thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân bằng sổ y bạ điện tử (hồ sơ bệnh án điện tử), tôi đã có ý thức chăm lo cho sức khỏe bản thân hơn. “Bây giờ đi khám không phải cầm sổ y bạ theo. Mỗi lần đi khám không phải khai báo tiền sử bệnh tật, y, bác sĩ chỉ cần gõ máy là biết mình đang bị bệnh gì, đã uống thuốc gì. Tôi bị tiểu đường phải theo dõi thường xuyên nên tháng nào tôi cũng rủ mấy bà bạn trong xóm đi khám. Nếu chẳng may bị bệnh nặng, hồ sơ bệnh án điện tử của tôi lại được chuyển lên tuyến trên và các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên cũng dễ dàng nắm được tình trạng sức khỏe của tôi để có hướng điều trị kịp thời”.  

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu cũng đã áp dụng bệnh án điện tử vào quản lý và điều trị bệnh cho bệnh nhân. PGS.TS Đỗ Trung Quân, Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân đến khám được cấp một thẻ có mã số (lD) riêng. Trong bệnh án điện tử ghi đầy đủ thông tin bệnh tật, kết quả khám, kết quả xét nghiệm, các thăm dò hình ảnh… Khi truy cập website bachmaiclinic.com, bệnh nhân gõ mã số ở phần bệnh án điện tử có thể xem lại toàn bộ bệnh án của mình, kể cả các chẩn đoán của bác sĩ, những chỉ định thuốc. Đặc biệt, khi bệnh nhân đến viện trong tình trạng cấp cứu, người nhà cung cấp mã số ID là bác sĩ biết được ngay tiền sử bệnh của người bệnh để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

Không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một số tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đã thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Ví như tại tỉnh Hà Tĩnh, hơn 85% người dân địa phương đã có hồ sơ bệnh án điện tử. Tiêu biểu tại trạm y tế xã Hộ Độ, xã có 8.000 người dân thì 7.900 người đã được lập hồ sơ bệnh án điện tử. Bác sĩ Phan Đình Dũng, Trạm y tế xã Hộ Độ cho biết, qua hồ sơ điện tử, các bác sĩ có thể nắm rõ được tiền sử bệnh tật của người bệnh, lần đi khám bệnh gần nhất, các loại thuốc đã được chỉ định, bệnh tật phát sinh mới,... những thông tin mà bệnh nhân có khi cũng không nhớ rõ. Điều này giúp ích hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.

Lộ trình thực hiện bệnh án điện tử

Giai đoạn từ năm 2019 - 2023: Các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc, văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình, "hạn chót" để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.

Bình luận

    Chưa có bình luận