Chiều 22/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý II và phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, đã xuất hiện “điểm đen” ngay chính tại các cơ quan đào tạo kiểm tra. Điểm đen này còn nguy hiểm hơn điểm đen trên đường bộ giao thông.
Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương tại các đầu cầu.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nửa đầu năm nay cả nước đã xảy ra gần 8.400 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm 641 vụ; số người chết giảm 311 người, số người bị thương giảm 679 người. Tuy vậy, vẫn có đến 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, chủ yếu liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cho rằng, bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao thì tình trạng tổ chức giao thông chưa tốt, trong đó có việc lắp biển báo tốc độ, phân làn, xác định các điểm giao cắt...; hạ tầng giao thông không theo kịp nhu cầu, gây tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở các đô thị lớn.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, quy định hiện nay là lái xe sử dụng ma túy sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Tuy nhiên, do chưa thể chắc chắn sau thời gian này, lái xe không sử dụng lại ma túy nên ông Khắng đề nghị, khi sửa đổi Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần tuy định kiên quyết không trả lại bằng lái xe đối với đối tượng lái xe sử dụng ma túy.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy có diễn biến phức tạp. Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện trên 78.100 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn; phát hiện 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Những địa phương có tỷ lệ lái xe vi phạm cao là: Lào Cai, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh...
Trước việc tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, thì rất cần tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật.
"Trong báo cáo các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng tại sao chưa đi vào cuộc sống. Cá nhân tôi cho rằng tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật giao thông là một vấn đề nan giải. Điều đó làm người vi phạm coi thường pháp luật, phản tác dụng toàn bộ tất cả những gì chúng ta tuyên truyền", Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu ý kiến.
Thủ tướng đánh giá, công tác đảm bảo an toàn giao thông đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Việc giảm tình trạng tai nạn giao thông thời gian qua có vai trò quan trọng của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an và các bộ, các địa phương bằng nhiều giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Công tác truyền thông về an toàn giao thông được thực hiện tốt, trong đó có vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí khác. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì bảo vệ tính mạng của con người là trên hết.
"Chúng ta hoan nghênh những thành công của 6 tháng đầu năm, giảm 3 tiêu chí số người chết, số người bị thương, số vụ, đã giảm từ trên 7% đến 9% rất thành công, rất cố gắng, nhưng chúng ta nên nhớ rằng chúng ta còn có trên 3.800 người chết, hàng nghìn người bị thương. Bao chuyện tang tóc xảy ra từ mất an toàn giao thông, mà tính mạng con người trên hết, thì chúng ta cần quan tâm hơn đến công việc quan trọng này, để xã hội bình yên hơn, gia đình hạnh phúc hơn, giảm đau khổ cho người dân chúng ta hơn. Đó là nhiệm vụ nặng nề của các cấp chính quyền và ủy ban an toàn giao thông các cấp", Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng hoan nghênh Tổng cục đường bộ xử lý các điểm đen trên các quốc lộ, nhưng Thủ tướng còn nêu “điểm đen” nguy hiểm không kém.
"Tôi nói ý là xuất hiện “điểm đen” ngay chính tại các cơ quan đào tạo kiểm tra. Điểm đen tại chỗ đó còn nguy hiểm hơn điểm đen đường bộ giao thông", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm tra xác minh và quyết định thu hồi giấy phép hoạt động Trung tâm 9803 D tỉnh Bắc Giang do hành vi cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe kinh doanh vận tải; hay gần đây báo chí nói nhiều về những trung tâm lái xe dễ tính đến nổi tiếng, có cả phương thức đảm bảo thi là đỗ.
"Đây là vấn đề rất nguy hiểm, đáng báo động. Đăng kiểm xe xấu thành xe tốt, đào tạo không nghiêm khắc. Điểm đen này không kém điểm đen trên hệ thống đường bộ Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng ngoài việc xử lý lái xe vi phạm thì phải xử lý cả chủ cơ sở kinh doanh vận tải không tuân thủ quy định, yêu cầu lái xe lái quá giờ quy định dẫn đến nguy cơ gây tai nạn.
Ngoài đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng yêu cầu cần hết sức lưu ý đối với đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ 2008, một nhiệm vụ Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ từ năm 2016 nhưng Bộ vẫn chưa trình. Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định an tòan giao thông.
"Quy định hiện nay đã cao rồi nhưng chưa đủ răn đe. Tôi trao đổi với anh Khuất Viết Hùng, cứ 80mg/100ml máu coi như chuyển hình sự, chứ không phải hành chính bình thường. Hay là (lái xe) nghiện ma túy, nghiện rượu thu ngay vĩnh viễn bằng lái. Phải làm mạnh như thế. Luật xử lý vi phạm hành chính này phải xử khung cao như mốt số nước là một số người có hơi cồn người ta đã thu ngay bằng lái xe. Ở các nước không có bằng lái xe là nghỉ việc vì đi làm rất xa. Chúng ta cần sửa khung xử phạt, tăng tính răn đe cần thiết, ít tốn kém mà hiệu quả cao", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 46 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng mạnh quy định xử phạt vi phạm.
Đặc biệt là khẩn trương báo cáo Thủ tướng về Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải, yêu cầu loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu hủy bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe dưới 9 chỗ, thay vào đó dùng công nghệ để quản lý. Thủ tướng cũng lưu ý, hình ảnh camera, nếu không phải là bí mật thì phải được chia sẻ cho các cơ quan chức năng khác thay vì chỉ Bộ Giao thông vận tải độc quyền về hình ảnh này.
Nêu lên kinh nghiệm của các nước, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó phải chú ý đến giáo dục trong nhà trường cho các học sinh. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có chương trình giáo dục riêng cho cả mọi lái xe; đưa nội dung về đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt của các đoàn thể tại các khối phố, xóm làng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng phải kiên quyết nói không với tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm./.
Vũ Dũng/VOV1