Ngày dân số thế giới 11/7: Cho rằng được đẻ thỏa mái - cách hiểu sai và những hệ lụy

  • 11/07/2019 02:50:00
  • Văn Hải/VOV1
  • Xã hội
  • 0

Từ khi chính sách dân số có phần nới lỏng, nhiều gia đình khó khăn vẫn sinh nhiều con, làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

 

Hiện nay, tỷ lệ sinh ở các vùng miền của nước ta không đồng đều. Trong khi tại những đô thị lớn, tỷ lệ sinh đang ở mức thấp thì tại vùng nông thôn, tỷ lệ sinh lại ở mức cao. Đặc biệt, từ khi chính sách dân số có phần nới lỏng thì ngay trong cùng một địa phương, tỷ lệ sinh cũng không đồng đều giữa các thôn, xóm, tổ dân phố và trong mỗi nếp nhà.

Mặc dù kinh tế gia đình chưa dư giả, đang phải thuê nhà và đã có đủ nếp, đủ tẻ (2 con trai, 1 con gái) nhưng chị Nguyễn Thị Bích Thùy ở Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội vẫn quyết định mang thai lần thứ 4. “Người chửa - cửa mả”, mang thai đến tuần thứ 38 và chỉ cách hôm mổ đẻ 1 ngày, chị Thùy bị vỡ tử cung, vỡ tại vết sẹo của 3 lần mổ đẻ trước và tử vong trước khi nhập viện cấp cứu cách đây 1 tuần.

Chưa đầy 30 tuổi, chị Thùy ra đi để lại đứa con trai lớn 8 tuổi, con gái út mới hơn 1 tuổi, khiến hàng xóm ai cũng xót xa:“Chúng tôi là hàng xóm thấy đau xót lắm, chết cả mẹ và con. Cháu nó mới chỉ gần 30 tuổi. Con cái thì ông bà già lại phải trông cho. Bây giờ chỉ thương 3 đứa trẻ con, một đứa mới học lớp 3, một đứa nằm liệt giường do di chứng của bệnh viêm não, còn đứa thứ 3 chưa được 2 tuổi”.

Gia đình hạnh phúc khi trẻ sinh ra được chăm sóc đầy đủ.      Ảnh minh họaSinh nhiều con làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình trẻ và dẫn đến nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng ở Quốc Oai, Hà Nội là một ví dụ. Năm nay 31 tuổi nhưng từ năm 29 tuổi, chị Hồng đã có tới 8 đứa con, sau 12 năm sinh nở liên tục. Đến nay, một cháu đã tử vong không rõ nguyên nhân, đứa lớn nhất hiện 14 tuổi, đứa út mới hơn 2 tuổi và chỉ duy nhất đứa thứ 5 là con trai. Chị Hồng giờ già hơn nhiều so với tuổi, lúc nào cũng tất tả, quần xắn móng lợn, quần quật với công việc tay chân để kiếm tiền nuôi con:“Đông con thì vất vả rồi, đồ đạc trong nhà chỉ có mỗi cái ti vi với cái bàn uống nước. Đứa lớn đi học về là tự cơm nước, lo cho các em vì bố mẹ phải đi làm suốt”.

Mấy năm gần đây, chính sách dân số có phần được nới lỏng nhưng nhiều người lại hiểu sai rằng Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con, khiến tỷ lệ sinh ở nhiều nơi tăng vọt, thậm chí có địa phương còn buông luôn cả nhiệm vụ kế hoạch hóa gia đình. Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2009 bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Năm 2016 đã tăng lên gần 3 con và đến nay tỷ lệ này vẫn ở mức cao. Cũng từ đây tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi tông đường được dịp trỗi dậy.

Từ năm 2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh lại không đồng đều ở các khu vực. Tại vùng nông thôn, tỷ lệ sinh vẫn cao nhưng tại khu vực thành thị lại thấp, như tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người mẹ chỉ có khoảng 1,5 con, tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 1,76 con. Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội khẳng định, nước ta đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển nhưng không phải là không thực hiện kế hoạch hóa gia đình nữa.

“Trước đây chúng ta tập trung vào kế hoạch hóa gia đình thì nay trọng tâm không phải là kế hoạch hóa gia đình nữa mà chúng ta phải chuyển sang giải quyết các mối quan hệ giữa dân số và phát triển. Nhưng không phải chúng ta không làm kế hoạch hóa gia đình nữa. Kế hoạch hóa gia đình sẽ tập trung ở những vùng, những miền mức sinh còn cao, ví dụ như: Tây nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ”, ông Cử cho biết.

Trước thực trạng tỷ lệ sinh có xu hướng tăng, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương không buông nhiệm vụ giảm sinh, thay vào đó tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đưa về mức sinh thay thế, đặc biệt là tích cực vận động kế hoạch hóa gia đình đối với những vùng khó khăn, những gia đình thu nhập thấp, công việc không ổn định, để không còn cảnh nhà nghèo đông con, đe dọa tới việc làm của người lao động và chính sách an sinh xã hội.




 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận