Cô dâu Việt cần chủ động hơn trong việc trang bị kỹ năng sống

  • 10/07/2019 10:50:00
  • Thanh Tùng/VOV ĐBSCL
  • Xã hội
  • 0

Trang bị kỹ năng cho các cô dâu Việt cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ là cần thiết để ngăn chặn các vụ bạo hành có thể xảy ra.

 

Trong những ngày gần đây, một video clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh cô dâu Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn ngay trước mặt con trai hai tuổi gây sự phẫn nộ trong cộng đồng.

Ước mơ đổi đời của cô dâu Việt

ĐBSCL là nơi được biết đến nhiều hơn cả với số lượng cao cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Hàng chục năm qua, tại miền Tây, phong trào lấy chồng Hàn Quốc luôn nhộn nhịp, nhất là ở các vùng nông thôn, đời sống còn khó khăn. Bởi trong hoàn cảnh gia đình còn chật vật, nhiều lo toan, với suy nghĩ muốn thay đổi nhanh cuộc sống thì lấy chồng Hàn là ước mơ của nhiều cô gái.

Có dịp tiếp xúc và tìm hiểu suy nghĩ của các cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc cho thấy, từ suy nghĩ về một giấc mơ đổi đời và kiếm tìm hạnh phúc nơi đất khách là cả một sự cố gắng lớn, có khi là đánh đổi của nhiều chị em phụ nữ.

 Hội phụ nữ TP Cần Thơ và Văn phòng KOCUN Tổng kết giai đoạn 1 dự án “Việt - Hàn chung tay chăm sóc”

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, quê Ô Môn, Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc đã hơn 8 năm, hiện sinh sống ở Suwon, Jangan - Hàn Quốc cho biết thời gian đầu sang Hàn Quốc làm dâu chị đã đối mặt với vô vàn khó khăn. Không biết tiếng Hàn, lại phải chịu mọi sự thay đổi trong môi trường văn hóa mới, do vậy chỉ làm việc nhà và giao tiếp với gia đình chồng cũng đã khiến chị vô cùng vất vả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều đàn ông Hàn Quốc thật sự rất thích phụ nữ Việt Nam về cả ngoại hình lẫn tính cách. Bởi các cô gái Việt thường dịu dàng, chăm chỉ và sẵn sàng chăm sóc cha mẹ chồng. Tuy nhiên, theo một khảo sát từ năm 2017 của Uỷ ban nhân quyền quốc gia của Hàn Quốc cho thấy, các cô dâu nước ngoài sinh sống ở Hàn đã phải hứng chịu những hình thức bạo lực gia đình sau: Bị chửi bới, bị bắt sinh hoạt theo nề nếp văn hoá Hàn Quốc, bị đe doạ vũ lực, bị ép quan hệ tình dục ...

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Thắm, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Hội LHPN Cần Thơ phân tích đa số cô dâu ở nông thôn các tỉnh ĐBSCL khi lấy chồng Hàn Quốc tuổi đời còn trẻ (18 - 23). Vì thế, tuổi đời trẻ, trình độ còn hạn chế, không biết tiếng, nên không nắm được nhiều kỹ năng cũng như luật pháp Hàn Quốc.

Chia sẻ về vấn đề này khi gặp tại Hàn Quốc, chị Phạm Minh Kha quê ở Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ mở đầu câu chuyện nơi xứ người bằng lời kể của một phụ nữ Việt nghèo đi lấy chồng Hàn Quốc từ sự giới thiệu để mong muốn thay đổi cuộc sống. Chị Kha tâm sự lúc mới sang tới thành phố Suwon, sống nơi đất khách quê người; bất đồng ngôn ngữ, không thích nghi được văn hoá, ẩm thực, không thể hiện được suy nghĩ của mình.

Ở Hàn Quốc, đường phố thì hoàn toàn xa lạ nên chị không biết phải làm gì khi ở chung với gia đình bên chồng. Chính vì vậy theo chị Kha, cô dâu Việt làm dâu xứ Hàn cần chủ động và kiên nhẫn học tiếng Hàn đến topik cấp 3 rồi hãy sinh bé hoặc đi làm. Cùng với đó, hãy bỏ qua sự tự ái khi bị cha mẹ chồng la mắng.

Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ phân tích thêm rằng, nguyên nhân lớn nhất mà các cô dâu Việt gặp phải nơi xứ người là do bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa. Từ đó không thích nghi với cuộc sống, mâu thuẫn với gia đình chồng, với chồng, bị chồng bạo lực.

Lời khuyên để tìm hạnh phúc xứ người…

Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi nét văn hóa giữa 2 nước có những điểm khác biệt, những cô dâu Việt như chị Tuyết Lan phải mất không ít thời gian để thích ứng và có thể tự tin hơn khi sinh sống trên quê hương thứ 2. Điều đầu tiên chị Tuyết Lan làm là mạnh dạn đăng ký theo học ngay một lớp tiếng Hàn ngắn hạn ở một Trung tâm. Rồi từ đó, không ít lần trung tâm cử người đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của chị, giúp hòa nhập với cuộc sống mới. Từ những kinh nghiệm của chính mình, chị đã không ít lần giới thiệu những đồng hương khác tới trung tâm để được giúp đỡ.

Một kinh nghiệm mà chị Nguyễn Thị Thanh Xuân quê ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long sau một thời gian lấy chồng và làm dâu xứ Hàn là việc thu mình và ít chịu tìm hiểu thông tin tại xứ người; không tự mình tìm đến các trung tâm hỗ trợ là cái sai lớn nhất của cô dâu Việt. Đây chính là cách chính mình đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn nơi xứ người.

Phụ nữ Việt trên đất Hàn. Theo nhiều cô dâu Việt đang sinh sống hạnh phúc và có việc làm ổn định ở Hàn Quốc, hiện nay, Hội phụ nữ tại Hàn Quốc cũng như Hội Người Việt Nam tại đây đều mở những văn phòng hỗ trợ cộng đồng. Tại đây, có rất nhiều người tham gia làm công tác thông dịch, hỗ trợ tư vấn cho tất cả những phụ nữ gặp vấn đề rắc rối gia đình. Ngoài ra, Hội phụ nữ tại Hàn Quốc đã và đang tập trung nhiều nỗ lực kết nối với những cơ quan chức năng để kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết đối với vấn đề bạo lực gia đình.

Rõ ràng, một cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu; không có sự tìm hiểu kỹ và không có sự tin tưởng từ cả hai chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề sau hôn nhân. Vụ việc cô dâu Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn tiếp tục là một sự việc đau lòng.

Do vậy, với những người phụ nữ Việt đang có cuộc sống hạnh phúc ở xứ người thì cô dâu Việt nên có sự chuẩn bị trước nhất về ngoại ngữ, sau đó là cách ứng xử, rồi lễ nghi. Hãy chủ động hơn trong việc trang bị cho mình những kỹ năng sống, hòa đồng với phong tục văn hóa nơi quê người; biết chịu trách nhiệm trước những hành động của bản thân và đối diện với những tiêu cực bằng những suy nghĩ và hướng giải quyết tích cực nhất.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận