Vĩnh Phúc: Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM năm 2019

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.

 

Từ những chủ trương đúng đắn, các giải pháp đồng bộ, khoa học và sát thực tiễn, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, tạo đà cho mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.

Những con số ấn tượng

Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc có nhiều đổi mới theo hướng khang trang hiện đại, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống tinh thần không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có 104/112 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 92,9%; 04/09 đơn vị cấp huyện là Yên Lạc, Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên đạt chuẩn NTM; huyện Tam Đảo đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Trung ương xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Đặc biệt, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 18,71 tiêu chí, trong đó, số xã đạt 19 tiêu chí là 104 xã, đạt 93%; đạt 15 - 18 tiêu chí có 07 xã, đạt 6,3%...

Bộ mặt nông thôn mới Vĩnh Phúc ngày càng khang trang, hiện đại.

Xác định giao thông cần phải đi trước một bước, trong giai đoạn 2016-2018, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn tiếp tục được Vĩnh Phúc tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Toàn tỉnh đã cứng hóa được 280,6km đường giao thông nông thôn và 209 đường trục chính giao thông nội đồng; 100% kênh loại I, loại II và 95% kênh loại III được kiên cố hóa; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư; có thêm 37 xã được đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa xã, thôn. 100% số xã không còn nhà tạm, nhà dột nát và đảm bảo có nhà ở đạt chuẩn theo quy định… Sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các chương trình dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho nông nghiệp tập trung phát triển. Các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường đã đạt được những kết quả cao. Đến nay, tỉnh vẫn duy trì, giữ vững tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 100% số xã; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học phổ thông, bổ túc, trung cấp của tỉnh đạt trên 97,2%. Toàn tỉnh có 95% số thôn đạt tiêu chuẩn thôn, làng văn hóa; 100% trạm y tế xã có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc sản nhi; phổ cập giáo dục THCS ở 100% số xã; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 72,1%...

Để có được những kết quả trên, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng. Từ 2016 - 2018, Vĩnh Phúc đã huy động được trên 4.160 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn huy động từ người dân và công cộng trên 135,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, Vĩnh Phúc vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực của địa phương có hạn chế trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM lớn; các chế độ, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi dẫn đến các thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản kéo dài làm chậm tiến độ thực hiện; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, còn có tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ngân sách tỉnh…

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2020, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh xuống cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội tham gia chương trình. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ đạo nhân rộng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện chương trình. Xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rà soát, sửa đổi bổ sung để ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, trong đó ưu tiên cho các vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện. Huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới; xây dựng sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn, hướng tới mục tiêu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM…/.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận