Diễn biến của cơn bão số 2
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 2 đã vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên, dự báo đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
|
Đến 16 giờ ngày 4/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tối 3/7 có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; đến sáng 4/7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Dự báo đêm 3/7 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng còn có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 20-50mm/12 giờ, có nơi trên 60mm/12 giờ). Từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Đến sáng 5/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cần theo dõi thông tin dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong các bản tin được ban hành theo quy định.
Sẵn sàng đối phó với cơn bão số 2
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường Phó Trưởng ban Thường trực TƯ về PCTT cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão cần quán triệt từ TƯ đến địa phương không được chủ quan, cần chú ý tập trung đến các tàu vãng lai vì không thường những tàu này không nắm rõ được thông tin luồng lạch... Cần quan tâm đến các khu neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi hải sản và khách du lịch,... Cần chú ý đến các hoạt động kinh tế trên bờ từ Quảng Ninh cho đến Ninh Bình, đặc biệt các công trình đang thi công.
Cần đề phòng các hoạt động du lịch ở các địa phương, các đô thị trung tâm mưa cục bộ sẽ dễ gây ngập úng. Cần đặc biệt quan tâm tuyến đê quai Thái Bình, hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp cần chú ý. Các thủy điện nhỏ, dung tích chứa ít, mưa lớn gây nguy hiểm. Các diện tích lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh cần hết sức chú ý đề phòng”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất... đặc biệt ở Quảng Ninh cần hết sức chú ý. Trong công tác thông tin dự báo cần bám sát liên tục và không được chủ quan, tham chiếu dự báo của quốc tế là yếu tố vô cùng quan trọng, cần bám sát, khoa học, cầu thị, thiết thực
Ứng phó diễn biến phức tạp bão số 2, đến chiều nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu và thuyền trưởng đã thông báo và hướng dẫn cho 56.747 phương tiện, 484 tàu du lịch, 146 tàu vận tải, 5 tàu nước ngoài để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể: từ Quảng Ninh đến Nam Định có 1.877 tàu hoạt động, hoạt động ven bờ từ Ninh Bình đến Quảng Trị có 1.757 tàu. Các lực lượng chức năng cũng kêu gọi người dân trông coi ở 8.838 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản biết diễn biến bão số 2.
Ngay sau khi có Công điện của UBND tỉnh Nghệ An, các địa phương đã phối hợp với các Đồn Biên phòng triển khai công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết, hiện nay Nghệ An có hơn 4.000 phương tiện tàu thuyền với hơn 19.000 lao động. Bên cạnh kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú thì Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão các địa phương còn hướng dẫn ngư dân tham gia chống bão, bố trí một số phương tiện chuyên dụng sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.
Bão số 2 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, gây mưa to từ đêm nay và sáng mai. Để hạn chế thiệt hại do mưa bão, cùng với việc thông báo đến từng doanh nghiệp, cơ quan và người dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, các công trình xây dựng, đề phòng các cây lớn, cột điện gãy đổ, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tháo nước đệm nội đồng và chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng chống úng khi có mưa lớn, nhất là ở các huyện có nhiều diện tích canh tác thấp trũng như Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Thanh Hà.
Các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 khi đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn. Với tỉnh miền núi, địa hình nhiều khe suối và đồi núi dốc, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn ở mức cao, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, chú trọng việc gia cố hệ thống hồ đập, cắm biển báo, sơ tán nhân dân vùng nguy hiểm, hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại những khu vực ngầm tràn, ngập sâu và cử lực lượng ứng trực 24/24h, sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
P.V tổng hợp