Du xuân trên Hồ Ba Bể

Rảo bước trên con đường núi uốn lượn xung quanh Hồ Ba Bể, điệu ca 'Nàng Ới' khẽ trên môi cô gái trẻ phía trước thôi thúc tôi bước về khu vực tổ chức Hội xuân.

 

Vui hội Lồng Tồng

Từ tờ mờ sáng, con đường nhỏ qua bản Pác Ngòi đã rộn rã tiếng trai gái gọi nhau đi hội, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng kính tẩu nối nhau về phía bãi đất trống bên hồ. Mặt trời vừa ló qua đỉnh núi, đứng trên triền dốc nhìn xuống thấy rõ một thân tre cao hơn hai mươi mét được dựng lên chính giữa khoảng đất rộng, phần ngọn tre được gắn một hình tròn bằng chiếc mâm thau, dán giấy hồng. Hàng trăm nam nữ thanh niên cùng thi nhau ném những quả còn qua vòng tròn trên ngọn tre cong vút trong tiếng reo hò cổ vũ của những người đứng xung quanh...

Bãi đất nơi diễn ra cuộc thi ném còn luôn là nơi đông vui nhất trong lệ Hội xuân Ba Bể. Ảnh: Thành Công

Hội xuân Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nguyên là hội Lồng Tồng của người Tày ở khu vực ven hồ, diễn ra trong 2 ngày 9 và 10 tháng Giêng hằng năm, tại khu đất rộng ven hồ với rất nhiều trò chơi dân gian độc đáo và chương tình giao lưu văn nghệ giữa các xã trong huyện, các chương trình thi đấu thể thao, thi bắn nỏ, tung còn, hội chọi bò... Đặc biệt, hội chợ xuân là dịp để nhân dân các xã quanh khu vực hồ Ba Bể mang đến trưng bày, giới thiệu và bán sản vật của từng địa phương cho khách về vui hội.

Những cuộc thi, trò chơi dân gian được tổ chức khiến không gian lễ hội vô cùng náo nhiệt. Ảnh: Thành Công

Hội xuân Ba Bể hằng năm thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn có hàng ngàn du khách muôn nơi tới tham gia bởi không gian văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng sắc màu các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’mông sinh sống xung quanh vùng hồ Ba Bể. Hơn thế, lễ hội là dịp duy nhất trong năm mà người dân và du khách có cơ hội thưởng lãm, tham gia đua thuyền độc mộc trên hồ vào 2 buổi chiều vô cùng đặc sắc.

Thuyền độc mộc được đục từ thân cây dài 7 - 8m với chiều ngang chỉ chừng nửa mét, rất tròng trành trên mặt nước. Những đôi chèo tham gia đua vừa phải khéo léo chèo lái, lại phải giữ cho nước khỏi tràn vào theo mỗi nhịp chèo nghiêng. Cũng chính bởi đua thuyền độc mộc khó và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm điều khiển thuyền như vậy nên các đôi chèo phải phối hợp cực nhịp nhàng, ăn ý mới mong giành phần thắng.

Chọi bò là một nét văn hóa riêng, chỉ có ở các tỉnh vùng cao phía Bắc. Ảnh: Thành Công

Điều đặc biệt tại hội đua thuyền chính là ở phần cứu hộ. Lễ hội đua thuyền tổ chức vào mùa xuân, khi thời tiết khá lạnh và nước hồ tê buốt, rất nguy hiểm nếu như thuyền bị lật, các đôi chèo bị ngâm lâu trong nước. Bởi vậy, nhiều trường hợp các thuyền tự ý bỏ đua để cứu hộ những đôi chèo không may bị lật thuyền. Nhiều khi, sau một pha cứu hộ, thuyền đang dẫn đầu lại trở thành thuyền về cuối. Cũng bởi vậy mà hội đua thuyền dù có cạnh tranh rất mạnh mẽ nhưng lại mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn nhiều hơn là thi đấu. Sau khi kết thúc cuộc đua chỉ chừng mươi phút, các tay chèo dù thắng hay thua đều tươi cười bên ly rượu. Với họ, được đua thuyền, được vui hội mới chính là giải thưởng ý nghĩa nhất trong ngày xuân mới.

Câu hát ngày xuân

Ráng chiều xuống thấp trên hồ Ba Bể, sau khi kết thúc hội đua thuyền, tôi như kẻ lãng du mải mê giữa không gian bảng lảng, phảng phất hơi sương trên chiếc thuyền độc mộc nhẹ trôi trên mặt hồ xanh biếc. Cô gái Tày vừa khẽ tay chèo đưa khách tham quan, vừa ngân nga câu hát nhẹ nhàng, trầm bổng như chỉ để cho mình mình nghe:

“Lờ ới la là ấy lới ơ/Vằn nảy dzú chang tả tức pia/Dàn hăn tôi hao mì khảu pản/Bên mà chắp nả táng rườn đây/Củ pác sam dzú quây rụ sẩu/Hẩu pỉ so bi jóc và ta/Hẩu rà so chào đzốc...”.

Đi thuyền độc mộc trên Hồ Ba Bể. Ảnh: Thành Công

Thấy tôi chăm chú lắng nghe, cô gái ngưng hát quay sang hỏi chuyện: “Anh thích nghe không, cái này là hát lượn Nàng Ới, như hát giao duyên của người Kinh dưới xuôi đấy. Bây giờ ít người nghe hát Nàng Ới nên em chỉ hát cho mình nghe thôi...”.

Cô gái chèo thuyền tên Triệu Thị Hà là con của một nghệ nhân hát Nàng Ới hiếm hoi còn lại ở bản Pác Ngòi. Bài hát mà cô vừa ngâm nga có ý nghĩa rằng, khi người con gái đi thuyền trên hồ lúc sang xuân, thấy con chim bách điểu bay qua rừng tìm chỗ đậu trên cành cao đợi bạn, thấy con họa mi vào bản đậu bên cửa sổ cất tiếng hót, cô gái mới hát hỏi con chim xin cùng lượn có được không…

Những thiếu nữ vùng cao say sưa điệu múa, lời ca trong ngày hội xuân. Ảnh: Thành Công

Triệu Thị Hà chia sẻ: Lượn có bốn làn điệu chính, gồm: lượn Phong Slư Bắc Cạn, Phong SLư Cao Bằng, Nàng Ới và lượn Cọi. Hát lượn khó học vì khi hát chỉ có vần điệu mà không cần nhạc, lời hát phải ứng tác nhiều nên người hát phải có năng khiếu và yêu thích thì mới học. Hiện nay ở bản Pác Ngòi chỉ còn mẹ của cô là thuộc nhiều làn điệu, nhiều lời bài hát. Hà cũng chỉ học được một số bài nhưng cô cũng ít khi hát, vì giờ thanh niên không còn mấy người muốn nghe hát lượn nữa.
Triệu Thị Hà cho biết thêm: Dù mẹ vẫn thường xuyên hát cho cô nghe, cô cũng thường mang vở ra xem, nhưng vì hát lượn mà hát một mình thì khó hát, lại thêm giọng cô không dài, không êm, hơi không khỏe nên chỉ hát được một vài bài dễ, những bài khó thì không học được. Thanh niên trong bản giờ không hát nên cô cũng chỉ học mẹ cho vui thôi.

Đua thuyền độc mộc, chọi bò hay tung còn... là những nét hấp dẫn riêng đặc sắc của Hội xuân Ba Bể. Tuy nhiên, việc gìn giữ, bảo tồn và duy trì những trò chơi, những môn thi và đặc biệt là những làn điệu dân ca đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý. Bên cạnh làn điệu then đang được nhiều địa phương, ban ngành quan tâm, các cuộc thi hát, trò chơi dân gian khác cũng bị mai một nhiều. Thanh niên, người trẻ giờ không còn muốn học hát then, hát lượn. Trò chơi của người dân tộc thiểu số thì dần bị thay bằng những trò chơi khác hấp dẫn giới trẻ hơn. 

Du xuân trên hồ Ba Bể giờ đây cũng ít gặp những chiếc thuyền độc mộc, thay vào đó là thuyền tôn, thuyền máy với những âm thanh ồn ào, khô đục. Lại càng khó gặp chàng trai cô gái áo chàm chèo thuyền trên lòng hồ, trao nhau câu hát lượn giao duyên. Chạnh lòng nghĩ về hát lượn và nguy cơ biến mất một di sản văn hóa quý giá của dân tộc Tày, đến sự ra đi của những bóng thuyền độc mộc trên sóng hồ Ba Bể.

Các điểm tham quan khi đi du lịch hồ Ba Bể gồm: Đi thuyền thăm 3 hồ thông nhau là: Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng; thăm đảo Bà Góa; động Puông; động Hua Mạ; thác Đầu Đẳng; ao Tiên; thác Roọm. Đi chơi chợ phiên Nam Cường, Quảng Khê... Điểm độc đáo nhất khi tham quan hồ Ba Bể là được dạo quanh hồ bằng thuyền độc mộc, do những người phụ nữ Tày mặc áo chàm điều khiển. Đây là một biểu tượng của hồ Ba Bể và của Bắc Cạn.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận