Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng (Hà Nội) bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương trong 2 năm 2019 - 2020.
Tổng mức đầu tư Dự án nhóm B này vào khoảng 195 tỷ đồng, trong đó chi phí sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông trong năm 2019 là 15 tỷ đồng và 180 tỷ đồng chi phí phục vụ sửa chữa toàn bộ mặt cầu trong năm 2020.
Dù đã nhiều lần sửa chữa, nhưng mặt cầu Thăng Long, Hà Nội liên tiếp xuất hiện vết lún, nứt, xuống cấp nghiêm trọng khiến việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia thì việc mặt cầu Thăng Long đã 2, 3 lần “đại tu” nhưng bị hư hỏng ngay sau đó là do công nghệ không phù hợp với kết cấu cầu bản mặt thép. Do đó, với đề xuất sửa chữa lần này cũng không hy vọng sửa được tận gốc nếu chưa tìm được phương thuốc “đặc trị”.
Việc sửa chữa cầu Thăng Long rất phức tạp
Thời gian qua, đã có không ít vụ va chạm đã xảy trên cầu Thăng Long, trong đó có nguyên nhân từ việc phương tiện né tránh ổ gà. Mặc dù đơn vị quản lý đã tiến hành sửa chữa các vụ trí lún kéo dài, nhưng vẫn để lại những vệt nham nhở, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của các phương tiện.
Anh Nguyễn Văn Trường, tài xế một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, do công việc thường xuyên lưu thông qua cầu, nên hằng ngày ảnh bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc xuống cấp của cầu Thăng Long.
"Mặt cầu Thăng Long hiện tại bây giờ rất xấu. Như mình lái xe taxi thường xuyên di chuyển trên mặt cầu Thăng Long, nhiều ổ voi, ổ gà, rồi ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông. Có một số người xe cũng đã sập xuống ổ gà như thế, rất nguy hiểm", anh trường nói.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, một tài xế thường xuyên lưu thông qua cầu Thăng Long cũng rất lo lắng, bày tỏ: "Bình thường xảy ra những vụ ngoài ý muốn thì không nói, nhưng ở đây ngày nào cũng như thế. Có hôm thì 1 chiếc, hôm thì 2 chiếc, có hôm thì 3 chiếc. Tình trạng này diễn ra cũng phải mấy tháng nay rồi. Tội người ta. Những người mới cứ đi qua đây thấy là bị giật mình phanh gấp. Ở cầu này mật độ rất là đông nên cũng không thể đổ cho xe đi đằng sau không làm chủ được tốc độ".
Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 - đơn vị được giao duy tu, bảo dưỡng cầu Thăng Long (Hà Nội) cho biết, tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long xuất hiện cục bộ từ giữa năm 2018. Đơn vị đã thường xuyên vá ổ gà, sửa chữa hư hỏng nhẹ để đảm bảo giao thông.
Cụ thể, từ tháng 1/2019 đến nay, Cục Quản lý đường bộ I đã đôn đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên và đảm bảo ATGT trên mặt cầu Thăng Long.
Đến hết tháng 5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I đã chỉ đạo thực hiện vá ổ gà, cào bóc các vị trí trồi lún, hằn sâu trên mặt cầu nhằm đảm bảo ATGT với khối lượng hơn 1.300m2. Từ ngày 1 - 10/6, do thời tiết nắng nóng, sau đó mưa to nên mặt cầu Thăng Long tiếp tục bong bật lớp thảm mặt cầu.
Cấp thiết sửa mặt cầu Thăng Long, tăng kết nối vành đai III Hà Nội
Liên quan dền việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chưa thể đưa ra thời điểm hoàn thành việc sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long vì dự án đang trình duyệt. Trước mắt, các đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa, khai thác sẽ thực hiện sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn giao thông trên cầu.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, áp lực giao thông đối với cầu Thăng Long sẽ còn tăng lên do đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang gấp rút thi công và sẽ hoàn thành vào tháng 10/2030. Vì vậy, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là hết sức cấp thiết và cấp bách, nhằm nâng cao năng lực của toàn tuyến vành đai III Hà Nội, đồng thời đảm bảo an toàn khai thác cho công trình cầu huyết mạch này.
Cũng theo ông Hà, việc sửa chữa những vị trí hư hỏng chỉ là giải pháp trước mắt đảm bảo êm thuận cho mặt cầu, đảm bảo ATGT. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang giao Ban Quản lý dự án 3 lập dự án, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, trong đó có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
"Việc xúc tiến và làm việc với các chuyên gia Nga thì đã và đang thực hiện rất tích cực, đã tổ chức cho họ đánh giá, khảo sát, kiểm tra mặt cầu Thăng Long rồi và hiện nay đang xin chủ trương để cho phép đầu tư sửa chữa thành một dự án tổng thể".
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý - bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, do dự án có yếu tố chuyên gia nước ngoài nên việc lập thành dự án sửa chữa lớn gặp những khó khăn về thủ tục. Do vậy, việc sửa chữa lớn mặt cầu Thăng Long bị kéo dài.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nằm trên đường vành đai III, được hoàn thành vào năm 1985, là một trong những tuyến đường nối Tp.Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc. Phần cầu chính vượt sông dài 1.680 m, gồm 15 nhịp dầm théo, tạo thành 5 liên dầm liên tục có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp.
Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1 m, rộng 17m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5 m, phần đường ô tô rộng 16,5 m cho 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hai bên 2m.
Mặt cầu phần đường ô tô gồm bản thép dày 14mm có các sườn tăng cường, lớp chống thấm và dính bám trên bản thép bằng keo đặc biệt (lớp Xlamor) sau đó cài đá dăm tạo liên kết và thảm bê tông nhựa lên trên.
Đến năm 2009, sau 25 năm khai thác, mặt đường ô tô trên cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp và được đầu tư sửa chữa các hạng mục: mặt đường trên cầu, khe co giãn, đường ô tô phía dưới.
Trong đó, phần mặt đường trên phần dầm thép được cào bóc thay thế bằng màng chống thấm Elimitor và thảm bê tông nhựa SMA dày 5cm. Sau một thời gian sử dụng, các hạng mục được khai thác tốt trừ phần mặt đường trong phạm vi dàn thép bị hư hỏng.
Năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai thí điểm công tác sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng của lớp phủ mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ của hãng Hall Brother (Hoa Kỳ) gồm việc bóc bỏ lớp bê tông nhựa mặt cầu; tưới vật liệu dính bám Novabon và thảm bê tông nhựa polyme dày 7 cm.
Hiện nay, mặt cầu đã lại bị hư hỏng do lớp bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol và lớp mặt bê tông nhựa bị nứt tập trung ở trên thanh dọc giàn chủ và một số nứt tại khu vực sườn tăng cường do lưu lượng, tải trọng vượt so với thiết kế ban đầu; bản trực hướng không đủ khả năng chịu tải trọng khai thác hiện tại./.
Theo VOV.VN