Sáng 6/6, trước ý kiến của một số đại biểu phản ánh về các hoạt động dâng sao giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian qua, một số ý kiến nêu hiện tượng “BOT cổng chùa” với sự góp vốn của cá nhân, tổ chức với mục đích kinh doanh, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã có báo cáo chính thức trước Quốc hội.
"Không một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu với một cụm từ rất mới là BOT”- Hòa thượng nhấn mạnh.Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định, tất cả các chùa trên cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương, cùng nhân dân xây dựng, quản lý.
Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống yêu nước, với tinh thần hộ quốc an dân, đã sớm gắn bó với vận mệnh đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Trong quá trình truyền bá tư tưởng, đạo lý Phật giáo, vừa qua, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tích cực hưởng ứng các hoạt động phúc lợi xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa...
Tuy nhiên, theo Phó Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có “con sâu làm rầu nồi canh”, những hiện tượng sai lệnh giáo luật tu hành, có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa. Song những hiện tượng sai lệch này đều đã bị nhắc nhở, xử lý nghiêm khắc.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc vi phạm đạo đức và giáo luật” – đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự?
Trước đó, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Văn hoá, thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thầy bói,...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Hiến pháp đã quy định về quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của người dân; bản chất của tôn giáo là tốt đẹp.
Tuy nhiên, vừa qua một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo quy định. Dư luận xã hội cũng lên án các vi phạm về đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục.
Về trường hợp bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, TP Uông Bí đã xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 5 triệu đồng. Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành nghề mê tín dị đoan.
Theo người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để khắc phục hiện tượng trên, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoạn; lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng chưa thỏa đáng khi chỉ nói đến trách nhiệm của địa phương mà không nói đến trách nhiệm quản lý của ngành.
Về vụ việc ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng nói đã xử lý hành chính đối với bà Phạm Thị Yến ở mức cao nhất; nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa. Tuy nhiên, theo đại biểu Thái Trường Giang, "Hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính với 2 lý do: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan./.
Kim Anh/VOV.VN