Các “tổ chức mạo danh” này gọi điện chúc mừng người tiêu dùng đã may mắn trúng thưởng quà tặng trị giá hàng chục triệu đồng từ các chương trình khuyến mãi do Công ty Tài chính, Ngân hàng hợp tác với các siêu thị điện máy tổ chức và yêu cầu khách hàng phải đóng một khoản “thuế 10%” để nhận quà.
Mạo danh ngân hàng và công ty tài chính để trục lợi người tiêu dùng
Cách đây vài ngày, anh N.H.T (tỉnh Bắc Ninh) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đầu số 0899179xxx. Qua điện thoại, người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên của một tổ chức tài chính lớn đang liên kết với công ty thương mại điện tử và thông báo anh N.H.T đã may mắn trúng một bộ quà tặng trị giá gần 18 triệu đồng (bao gồm 1 cặp đồng hồ mạ vàng, 1 thẻ mua sắm VIP trị giá 7 triệu đồng áp dụng trên toàn hệ thống điện máy, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn...). Anh T. được cho biết đây là chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm tri ân khách hàng của công ty và anh đã được lựa chọn ngẫu nhiên để trúng giải đặc biệt nhờ có lịch sử mua hàng trả góp tốt.
Khi nhận thấy anh T. vẫn còn bán tín bán nghi, người phụ nữ đã nhanh chóng xác minh thông tin cá nhân của anh T. như số CMND, điện thoại, lịch sử mua hàng trả góp… Chính các yếu tố này đã khiến anh T. hoàn toàn tin rằng mình chính là “khách hàng may mắn” của chương trình! Sau khi thuyết phục anh T., người này tiếp tục thông báo: “Công ty bên em sẽ gửi quà qua bưu điện gần nhà anh nhất, anh vui lòng đóng thuế 10% theo quy định với số tiền là 1.780.000 đồng để nhận quà. Nhân viên giao nhận sẽ liên hệ với anh qua điện thoại để nhận quà, anh vui lòng mang theo CMND gốc, đóng thuế trước và kiểm tra quà tại chỗ”.
Tương tự như trường hợp của anh T., chị L.T.D cũng nhận được cuộc gọi từ một nhân viên nam thông báo chị L.T.D là khách hàng may mắn trúng thưởng 3 món quà giá trị hơn 17 triệu đồng nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập của ngân hàng. Chị D. cần phải đóng thuế GTGT 10% theo quy định mới được nhận quà.
Tuy nhiên, sau khi người tiêu dùng đóng tiền để nhận quà và sử dụng thẻ VIP đến các siêu thị điện máy mua sắm thì mới “té ngửa” khi các chuỗi siêu thị, cửa hàng điện máy đều từ chối các thẻ này. Điều bất ngờ hơn đó chính là các trung tâm mua sắm, cửa hàng điện máy lẫn các tổ chức tín dụng đều chưa từng triển khai các chương trình khuyến mãi “tri ân khách hàng” như thông tin mà khách hàng cung cấp. Lúc này, người tiêu dùng mới nhận ra mình đã bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Chiêu thức lừa đảo đánh vào tâm lý của người dùng tuy không mới nhưng hành vi của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Chúng đã lựa chọn các ngân hàng, tổ chức tài chính có uy tín nhất trên thị trường để mạo danh và sử dụng thông tin khách hàng đăng ký mua sắm trả góp tại các trung tâm điện máy lớn để liên hệ với khách hàng, từ đó thuyết phục người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền để nhận “sự may mắn ảo”.
Hiện nay, khi hành vi mua sắm, giao dịch, thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến, người tiêu dùng có thể đăng ký thông tin cá nhân, số CMND hay thậm chí là khai báo thẻ tín dụng để giao dịch dễ dàng và nhanh chóng. Lợi dụng các thói quen của người tiêu dùng kết hợp với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao để theo dấu người dùng trên mạng xã hội, cài các ứng dụng ghi nhận lịch sử truy cập để thu thập thông tin người dùng và công khai mua bán thông tin người tiêu dùng trên Internet một cách dễ dàng.
Bằng các thủ đoạn kể trên, các đối tượng lừa đảo không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền mà còn khiến cho người tiêu dùng nghi ngờ các đơn vị bán hàng và tổ chức tài chính đã cung cấp thông tin của họ cho bên thứ ba. Việc này khiến cho các siêu thị, trung tâm điện máy, ngân hàng, công ty tài chính rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của các đơn vị.
Bà Hồ Thị Như Hà - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối vận hành FE CREDIT cho biết: “Khi tiếp nhận các khiếu nại, phản ánh của khách hàng và đối tác thông báo về việc có các đối tượng mạo danh công ty để trục lợi khách hàng, FE CREDIT đã ngay lập tức tiến hành rà soát hệ thống, liên hệ với nhân viên tại các điểm bán hàng trong khu vực khiếu nại để làm rõ vấn đề.
Theo quy định của pháp luật, các chương trình khuyến mãi của FE CREDIT liên kết với các đối tác đều được đăng ký với Sở Công Thương ở các tỉnh/thành nơi diễn ra chương trình. Thông tin về chương trình sẽ được công bố chính thức trên website công ty, đồng thời truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại điểm bán hàng.
Đối với các khách hàng may mắn trúng thưởng trong các chương trình, công ty sẽ thông báo đến khách hàng bằng Thư thông báo hoặc Email và trực tiếp gọi điện thông báo đến khách hàng. Các giải thưởng có giá trị lớn đều sẽ được tổ chức trao giải, chụp ảnh và báo cáo đến các đơn vị quản lý. Tất cả các hoạt động tổ chức, trao thưởng đều phải được tiến hành đúng quy trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn như FE CREDIT, công tác bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu phát hiện có dấu hiệu, hành vi gian lận gây ảnh hưởng đến khách hàng, hoạt động kinh doanh và uy tín thương hiệu thì Trung tâm An ninh - Đơn vị có chức năng kiểm soát gian lận, lừa đảo nhằm phòng ngừa, dự báo và ngăn chặn các rủi ro gian lận nội bộ của FE CREDIT sẽ tiến hành rà soát nội bộ. Trong một số trường hợp, đơn vị nghiệp vụ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thu thập thông tin, điều tra xác minh các đối tượng có hành vi gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Người tiêu dùng cần làm gì để không bị mất tiền oan vì “quà ảo”?
Khi nhận được các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, người tiêu dùng cần hỏi rõ họ tên nhân viên, chức danh, phòng ban công tác, số điện thoại di động… và nhanh chóng xác thực thông tin chương trình bằng cách liên hệ trực tiếp đến số hotline của đơn vị tổ chức trao thưởng, kiểm tra thông tin về chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trên website chính thức, hoặc tìm hiểu thông tin trực tiếp với nhân viên tư vấn mua sắm trả góp tại các trung tâm điện máy.
Nếu các thông tin về giải thưởng không trùng khớp với các thông tin được niêm yết công khai trên các website của các đơn vị bán hàng, ngân hàng hay công ty tài chính, khách hàng cần khai báo với cơ quan chức năng.
Trên hết, người tiêu dùng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân như CMND, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng…, cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng./.
(Theo Quỳnh Chi/VTCNews)