Tỷ lệ chọi… cao ngất
Những ngày qua, cuộc đua vào trường THPT chuyên thuộc khối trường đại học (ĐH) diễn ra vô cùng gay cấn với tỷ lệ chọi “khủng”. Khác với kỳ thi chung vào lớp 10, kỳ thi vào các trường chuyên, ngoài các thí sinh ở Hà Nội, nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành cũng về “thử sức”. Có thể nói, nếu như học sinh thi vào lớp 10 không chuyên vất vả một thì thí sinh thi chuyên vất vả hơn nhiều lần.
Kỳ thi vào Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội diễn ra từ ngày 28 - 29/5. Thí sinh phải làm bài thi viết 3 môn: Toán (hệ số 1), Ngữ văn (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Theo TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, tổng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 là 5.045 em, giảm hơn 2.300 em so với năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu hệ chuyên của trường là 350, hệ cận chuyên là 180. Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường gần 1/9,6. Nếu tính hệ chuyên, tỷ lệ này lên tới 1/14,5.
Trước đó, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức thi trong ngày 26/5 với 3 bài thi môn Ngoại ngữ, Toán và Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và Khoa học xã hội. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo thang điểm 10, môn Ngoại ngữ hệ số 2 và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Theo thống kê của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, có 4.476 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi trường chỉ có 339 chỉ tiêu vào các lớp tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc (hệ không chuyên có 320 chỉ tiêu). Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường là 1/14.
Cùng với đó, có gần 2.700 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Thí sinh làm 3 bài thi gồm Ngữ văn, Toán (vòng 1) và môn chuyên (vòng 2) trong hai ngày 26-27/5. Đề thi môn Toán ở vòng 1 và môn chuyên ở hình thức tự luận, còn môn Ngữ văn thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Điểm trúng tuyển vào các lớp chuyên sẽ dựa trên tổng điểm thi môn Toán (vòng 1) hệ số 1 và môn chuyên hệ số 2. Các môn phải đạt từ 4 điểm trở lên. Đặc biệt, điểm môn Ngữ văn là điểm điều kiện, không dùng để tính điểm trúng tuyển. Kết thúc môn thi Văn THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), đa số các sĩ tử khá bất ngờ vì đề thi không quá khó. Theo nhận xét của các thí sinh, đề thi Văn năm nay bình thường, kiến thức sát với thầy cô giáo dạy; còn đề thi Toán khó đạt được điểm tuyệt đối.
Chị Thu Trà (Hà Nội), có con thi chuyên Ngoại ngữ cho biết: Mục tiêu của cháu là vào chuyên ngữ nên cháu ôn luyện cật lực ngay từ đầu năm học. Hằng ngày cháu thức đến 1-2h sáng để học là chuyện thường, gia đình giục đi ngủ nhưng lại lén dậy học, có khi học tới 3h sáng…
“Thành phố huy động gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Để hạn chế những hành vi tiêu cực, trong đó có việc để lọt đề như ở kỳ thi năm trước, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi với đầy đủ các yêu cầu về sức khỏe, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm... Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường phải tổ chức học quy chế thi cho 100% cán bộ, giáo viên và chỉ điều động những người đã nắm rõ quy chế thi đi làm nhiệm vụ”. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội
|
Áp lực từ đâu?
Nhiều phụ huynh nói, kỳ thi chuyển cấp THCS lên THPT, nhất là thi vào trường chuyên, “top” đầu còn áp lực hơn cả kỳ thi đại học. Bởi kỳ thi này không chỉ mỗi các con, mà cả bố mẹ, họ hàng cũng như “ngồi trên đống lửa”. Suốt cả năm học của con, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 đều hồi hộp, lo lắng cho kỳ thi này. Vô hình chung, áp lực đặt lên các con ngày một cao. Đọc báo thấy thông tin tỷ lệ chọi của các trường công lập cấp III, nhất là các trường “top” đầu như: Chu Văn An, Kim Liên, Thăng Long, Việt Đức và đặc biệt là các trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, chuyên ngữ, chuyên Sư phạm có tỷ lệ “chọi” rất cao, lên đến 1/9, 10… thì nhiều phụ huynh có con thi vào những trường này như “ngồi trên đống lửa”- phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết.
Các hội, nhóm phụ huynh cùng lớp, cùng trường, rồi các nhóm giáo dục trên mạng xã hội mọc ra “như nấm sau mưa”. Đâu có thông tin về kỳ thi là các bố mẹ có mặt, bằng mọi cách để tìm hiểu, trao đổi không quản ngày đêm: nào là tỷ lệ chọi, cơ hội đỗ trường “top” đầu, nào là chỉ tiêu của ngành giáo dục… khiến mọi gia đình cùng lo lắng. Thêm nữa, nhiều phụ huynh thường xuyên nhắc nhở con mình: Kỳ thi này quan trọng hơn cả kỳ thi đại học, trượt đại học còn thi lại được chứ trượt cấp III là không làm lại được”.
Áp lực cho con rất nặng nề. Khi “cơn bão” thi cử đi qua, nhiều phụ huynh mới bất chợt tự hỏi: “Áp lực của con, lỗi tại ai? Hóa ra mọi áp lực đôi khi do chính bố mẹ tạo ra và tự nguyện lao vào, dù con cái chúng ta mới là người tham gia chuyển cấp.
Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội đối với các trường THPT công lập năm học 2019 - 2020 sẽ diễn ra từ ngày 2/6 - 3/6. Tuần cuối cùng trước khi diễn ra kỳ thi, nhiều giáo viên vẫn muốn tranh thủ cho học sinh ôn luyện nốt những phần kiến thức chưa nắm chắc. Các cô không quản thời gian công sức, còn trò cứ lăn ra học ngày học đêm./.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay toàn thành phố có gần 86.000 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập nhưng chỉ có trên 64.000 chỉ tiêu. Mới đây, Sở GD-ĐT công bố, trong số 105 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố, có 87 trường tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét học bạ, chiếm 83%. |