Lựa chọn kỹ người, rõ trách nhiệm
Công tác chuẩn cho kỳ thi THPT Quốc gia đang được tích cực triển khai. Một số địa phương, ngoài ban chỉ đạo (BCĐ) thi cấp tỉnh còn thành lập BCĐ ở cả cấp quận/huyện để cộng đồng trách nhiệm. Tại Hội nghị trực tuyến về kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, sau sự cố gian lận thi cử nghiêm trọng năm 2018, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho hay tỉnh này đã lập BCĐ thi ở cả cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, Hà Giang đã lên phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCĐ, không đưa vào những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018, lựa chọn kỹ nhân sự tham gia công tác thi.
Cũng nằm trong danh sách “nhạy cảm”, năm 2019, Hội đồng thi THPT Quốc gia tỉnh Sơn La có 33 điểm thi với 453 phòng thi. Kỳ thi năm nay, tỉnh Sơn La huy động 1.789 người là cán bộ, giáo viên trong tỉnh và các học viện, trường đại học, cao đẳng tham gia coi thi, chấm thi... và 297 người phục vụ thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi 10.608 thí sinh (tăng 200 thí sinh so với năm 2018). Năm nay ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La không có trong Ban chỉ đạo thi 2019 của tỉnh này. Vị trí này của ông Đức sẽ do Phó giám đốc Sở Nguyễn Văn Chiến đảm nhận.
Ông Nguyễn Văn Chiến, PGĐ Sở GD-ĐT kiêm Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ thi của tỉnh Sơn La cho biết, trong quy chế thi năm nay, camera được bố trí ở nơi bảo quản đề thi, bài thi; tại các điểm thi ở các huyện; các phòng chấm thi; lên phương án trực bảo vệ 24/24h. Hệ thống camera sẽ được Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh phối hợp để kiểm định, thẩm định chất lượng nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi.
Tại Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm: tính đến thời điểm hiện tại có tổng số 8.993 thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi tỉnh. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có 37 điểm thi, 447 cán bộ coi thi, 69 cán bộ giám sát. Rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra trong kỳ thi năm trước, Hòa Bình sẽ có những điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật trong tổ chức thi. Quy định rõ cách thức và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác in sao, vận chuyển đề thi đảm bảo tuyệt đối bảo mật, an toàn; khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera giám sát 24/24h. Việc phân công cán bộ giám sát, quy cách niêm phong túi đựng bài thi được quy định chặt chẽ...
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Khâu kiểm tra, thanh tra phải được coi trọng. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương phân công đúng người, đúng việc và từng người phải biết trách nhiệm, yêu cầu công việc của mình. Trong đó, từng việc phải có quy trình”. Bộ trưởng Nhạ cũng lưu ý lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức.
Sẽ phân tích, đánh giá kết quả thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành phân tích, đánh giá các chỉ số thống kê kết quả thi của các hội đồng thi và của cả nước. Việc này nhằm kịp thời phát hiện và chủ động có phương án xử lý các sai sót hay gian lận (nếu có). Cũng theo ông Mai Văn Trinh, việc phân tích, đánh giá kết quả thi sẽ được thực hiện trước khi công bố kết quả. Vì thế, việc công bố kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ chậm hơn 3 ngày so với năm 2018. Cụ thể, thời gian công bố điểm thi năm 2019 dự kiến là ngày 14/7. Năm 2018, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia vào ngày 11/7.
Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm chống gian lận thi cử như đánh phách điện tử bài thi trắc nghiệm, giao các trường đại học chấm thi trắc nghiệm, thực hiện nghiêm việc bốc thăm để chấm thi, mã hóa toàn bộ dữ liệu... Bộ cũng đề nghị các địa phương, trường đại học và các ban ngành liên quan siết chặt yếu tố con người, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt để thực hiện các nhiệm vụ trong kỳ thi, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát.
Những giải pháp này nhằm mang lại kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, công bằng, lấy lại niềm tin của xã hội khi Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã gây chấn động cả nước với những gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử./.