Đề xuất mức phạt 30 triệu đồng đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn
Thời gian qua, tại Hà Nội cũng như trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đều liên quan đến rượu bia khiến dư luận rất bức xúc.
Cụ thể, vào đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên lái xe ôtô 7 chỗ tông chết chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Nhà chức trách cho biết nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít, cao gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4 mg/lít) theo Nghị định 46.
Một tuần sau, tài xế Lê Trung Hiếu cầm lái chiếc Mercedes sau khi uống bia tại buổi liên hoan cùng bạn bè. Đến hầm Kim Liên (quận Đống Đa), Hiếu tông xe vào hai phụ nữ đi xe máy khiến nạn nhân tử vong. Nồng độ cồn của tài xế được xác định 0,751 mg/lít khí thở.
Thống kê của Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an), bốn tháng đầu năm lực lượng này đã xử lý hơn 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 45% so với cùng kỳ 2018.
Ngay sau khi xảy ra hàng loạt những vụ việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã khẩn trương giao nhiệm vụ cho Công an TP Hà Nội chủ trì, Sở GTVT phối hợp thành lập ngay các Tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện với phương châm "làm kiên trì, liên tục, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm".
Sau hàng loạt những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (mức 3, vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) sẽ bị phạt từ 26 đến 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14-16 tháng. Nghị định hiện hành quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ở vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về mức phạt tiền (từ 7-8 triệu đồng) với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; mức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe được nâng từ 1-3 tháng lên 10-12 tháng.
Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, ma túy và trong cơ thể có chất ma túy thì tài xế bị phạt tối đa 30 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Đội trưởng phụ trách đội CSGT số 1 - Cục CSGT) cho biết, thực tế cho thấy, ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông còn rất kém.
Khi bản thân đã say mèm nhưng họ vẫn bất chấp, điều khiển phương tiện ra đường và việc không xảy ra tai nạn thực sự là may mắn cho chính họ và những người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ tiền ra nộp, dù số tiền là gần 20 triệu đồng đối với mức vi phạm nặng nhất nhưng những lần tái phạm tiếp theo vẫn mức phạt đó khiến nhiều người coi thường và nhờn luật”, Thiếu tá Thắng cho hay.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm, hiện tại mức phạt và chế tài xử phạt còn thấp, trong thời gian tới cần tăng mức và chế tài xử phạt như tăng mức tiền, nâng mức thời gian tạm giữ phương tiện và treo bằng lái thậm chí là nâng mức khởi tố hình sự để răn đe người vi phạm.
“Tuy nhiên mức độ nâng tiền xử phạt cần cân nhắc thật kỹ lưỡng vì người dân có nhiều tầng lớp khác nhau. Trên thế giới có nhiều nước áp dụng các quy định pháp luật rất khắt khe như việc gây tai nạn liên quan đến rượu bia, chất kích thích sẽ phải đi tù cũng là ví dụ để chúng ta có cái nhìn đầy đủ trong việc chỉnh sửa các quy định để vừa mang tính nhân văn nhưng cũng phải có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc nhưng cũng đủ sức răn đe những “ma men” xuất hiện ngoài đường”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.
|
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VOV.VN, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, hiện nay hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015. Đây thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.
“Trước tiên, cần sửa đổi Luật hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”, luật sư Thơm nhấn mạnh.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.
Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "giết người".
Luật sư Thơm chỉ ra, qua gần 3 năm thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.
Cụ thể, Nghị định 46/2016 quy định hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4 - 6 tháng hoặc 22 - 24 tháng và mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân là chưa đủ sức răn đe. Do đó, theo quan điểm của Luật sư cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm luật giao thông đường bộ lên gấp 2 lần và tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường đường.
Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, nhận thức chấp hành luật giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc phạt lao động công ích cũng phương án cần được nghiên cứu để xử phạt những “ma men” ra đường./.
(Theo Nguyễn Ngân/VOV.VN)