Ứng dụng chuyển đổi số nâng cao chất lượng trong công tác khám chữa bệnh là xu hướng tất yếu của y tế thông minh, và cũng là vấn đề cốt lõi mà ngành y quan tâm.
Lợi ích của bệnh án điện tử
Đối với ngành y, thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
“Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, cùng với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế, chúng ta tin tưởng rằng ngành Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên thịnh vượng và phát triển. Đất nước ta có trường tồn phát triển, nhân dân ta có được khỏe mạnh, hạnh phúc, kéo dài tuổi thọ, sống khỏe là nhờ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự sâu sát của ngành y tế. Sức khỏe con người là điều quý nhất; có sức khỏe sẽ có tất cả, sức khỏe là điều mong muốn nhất. Mọi điều chúc nhau đầu tiên là chúc sức khỏe... và ngành y tế rất vinh dự được giao trách nhiệm là lực lượng chủ công trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một lần nữa, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể các giáo sư, thày thuốc, các y bác sĩ, nhân viên y tế trên khắp cả nước. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, vững vàng, tiếp tục phát huy tinh thần Lương y như từ mẫu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế và chúc mừng Ngành Y tế nhân dịp ky niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025) ngày 24/2.
|
Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, và là đơn vị đầu tiên đi đầu trong triển khai bệnh viện không in phim, dần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh với những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống quản lý phần mềm trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị đã được kết nối liên thông; số lượng người bệnh ngoại trú, ra-vào viện được cập nhật hàng ngày lên hệ thống thông tin của BHYT. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã ứng dụng hội chẩn, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong tối ưu hóa sử dụng thuốc trên lâm sàng; việc thanh toán không dùng tiền mặt; từng bước thực hiện bệnh án điện tử,… cũng đang được Bệnh viện Hữu Nghị duy trì, đẩy mạnh.

“Cần tập trung nâng cao chất lượng y tế chuyên sâu; Đầu tư phát triển các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tập trung làm chủ các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới chuẩn mực y tế quốc tế. Đồng thời cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành y tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, triển khai các mô hình khám chữa bệnh từ xa, góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu tiêu biểu ngành Y tế nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày 26/2
|
Là một trong những BV tiên phong trong áp dụng công nghệ 4.0, từ năm 2022 BVĐK Xanh Pôn cũng đã triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác khám chữa bệnh và luôn xác định chiến lược “tiên phong công nghệ” là mục tiêu cấp thiết trong phát triển Bệnh viện. TS Lương Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, BVĐK Xanh Pôn đã triển khai bệnh án điện tử, khám chữa bệnh sử dụng hệ thống Kiosk thông minh tự phục vụ tiếp đón người bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, nhận diện người bệnh bằng khuôn mặt, thanh toán không dùng tiền mặt,...
Năm 2025, Bệnh viện quyết tâm thực hiện một bước tiến vượt bậc, đưa công nghệ thông tin lên tầm cao mới, áp dụng một cách toàn diện và sâu rộng vào mọi khâu trong quy trình quản lý, khám chữa bệnh. Đồng thời, Bệnh viện sẽ tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành bệnh viện thông minh hàng đầu, là điểm sáng trong hệ thống y tế Thủ đô, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu và hiện đại nhất cho người dân.

Theo ông Dũng, y tế thông minh giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ trong BV, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Rút ngắn quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí, nguồn lực thực hiện cũng như các dịch vụ chăm sóc y tế được cải thiện và cá nhân hóa. Y tế thông minh giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người dân dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh và được hướng dẫn; dễ dàng quản lý được sức khỏe của mình với sự kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh; truy cập hồ sơ thông tin sức khỏe cá nhân, đặt lịch khám chữa bệnh cũng như chủ động theo dõi các chỉ số sức khỏe theo thời gian. Đặc biệt, với sự phát triển mô hình khám chữa bệnh từ xa, người dân thuận lợi trong việc giao tiếp với bác sĩ.
“Y tế thông minh giúp Bệnh viện dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho người bệnh; kết nối dễ dàng với cơ sở y tế tuyến trên để hội chẩn và được tư vấn; giảm tải được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong BV. Triển khai hiệu quả hoạt động giám sát sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế, triển khai các hoạt động hướng đến phục vụ người bệnh, hỗ trợ nhân viên y tế ngày một tốt hơn. Hệ thống thông tin hoạt động xuyên suốt trong toàn BV, việc quản trị cơ sở dữ liệu tập trung tạo tính nhất quán, đồng bộ dữ liệu, giúp thông tin trao đổi giữa các khoa/phòng được truyền tải nhanh chóng, chính xác. Đồng thời giúp tăng hiệu quả về mặt quản lý đối với ban giám đốc điều hành BV cũng như ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số. Hơn thế nữa, giúp BV tiết kiệm chi phí trong quản lý nhân lực, chi phí in ấn, lưu giữ hồ sơ và quản lý hồ sơ - Đây cũng chính là mục tiêu cần đạt được trong năm 2025 của BVĐK Xanh Pôn. Việc không in phim chụp và hồ sơ bệnh án ước tính tiết kiệm cho BV khoảng 10 tỷ đồng/năm”, TS Lương Đức Dũng cho hay.

“Chuyển đổi số giúp mô hình Bệnh viện chị - em giữa BVĐK Xanh Pôn với hệ thống y tế huyện Ba Vì được triển khai từ cuối năm 2023 và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2025, dưới sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, BVĐK Xanh Pôn sẽ tiếp tục triển khai mô hình Bệnh viện chị - em với các bệnh viện tuyến dưới và tiếp tục hỗ trợ không chỉ trong hoạt động chuyên môn mà còn ứng dụng y tế thông minh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.
TS Lương Đức Dũng
|
Nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh
Tại Bệnh viện Bạch Mai công tác chuyển đổi số, bệnh án điện tử đã được áp dụng toàn diện từ khâu tiếp nhận, khai thác thông tin bệnh sử, phân luồng đến chỉ định thăm khám, thực hiện các chỉ định, đọc kết quả, xử lý, điều trị bệnh, thanh toán và thủ tục vào, ra, chuyển viện.
Bà Nguyễn Thị Thực (ở Bắc Ninh) chia sẻ, trước khi vào viện, bà xác định phải chờ làm thủ tục thăm khám sẽ rất mất thời gian, thậm chí sẽ kéo dài cả ngày. Nhưng khi quay lại BV Bạch Mai lần này, chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân cơ bản và cả bệnh sử đều hiển thị, nhanh chóng được phân luồng, thuận tiện thăm khám. Mọi thủ tục từ khám, xét nghiệm, chụp chiếu đến kết quả chỉ trong khoảng 2 giờ. “Nhờ công nghệ số, giúp những người cao tuổi như tôi đỡ phải di chuyển khắp nơi vì mọi thủ tục nộp tiền, lấy kết quả… đều làm trên máy. Việc này giúp giảm thiểu di chuyển và không còn lo lắng thất lạc giấy tờ”, bà Thực nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: Với việc áp dụng chuyển đổi số, bệnh án điện tử các thủ tục hành chính sẽ giảm thiểu, các bác sĩ có thể nhanh chóng thăm khám. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa phòng liên quan đều nhận được thông tin, người bệnh chỉ cần di chuyển đến những vị trí theo chỉ định để được triển khai. Kết quả trả về cho A9 cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi người bệnh quay lại phòng khám.
“Người bệnh được chụp lát cắt nào, ngay lập tức chúng tôi nhận được hình ảnh đó trên máy tính của Trung tâm và có thể chẩn đoán luôn. Với những ca bệnh khó, có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian. Nếu bệnh nhân cần phải chuyển tiếp đến các khoa điều trị, cũng chỉ cần thao tác trên phần mềm là có thể được tiếp nhận ngay lập tức với đầy đủ thông tin, thay vì phải đợi bệnh án giấy hàng trăm trang chuyển sang bàn giao”, PGS Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Trung tâm Hồi sức tích cực là nơi điều trị cho các BN nặng, phải theo dõi tiến triển thường xuyên, liên tục. BSCKII Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực chia sẻ: “Việc sử dụng hệ thống bệnh án điện tử rất thuận lợi cho các y bác sĩ, điều dưỡng trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Các bác sĩ có thể thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng người bệnh, điều chỉnh phác đồ điều trị,... bằng điện thoại di động. Công tác sơ kết, tổng kết ra viện cũng nhanh chóng”.
Việc triển khai bệnh án điện tử thực sự là bước đột phá trong ngành y, phần nào giảm tải áp lực công việc cho nhân viên y tế. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với bệnh án giấy tra cứu, mang đi đã rất vất vả, việc lưu trữ cũng chiếm nhiều không gian và công sức bảo quản. Đôi khi sẽ xảy ra những sự cố khó tránh như sai lệch thông tin bệnh nhân, các chỉ định, mất trang dữ liệu…
Ngày 1/11/2024, Bệnh viện Bạch Mai chính thức bấm nút triển khai áp dụng hệ thống bệnh án điện tử trên toàn đơn vị. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Qua một thời gian triển khai thử nghiệm từ tháng 7/2024 với 6 trung tâm, khoa phòng đến trên toàn hệ thống, BV nhận thấy việc thực hiện bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cán bộ y tế. Chúng tôi đã và đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y tế”.
Không chỉ đem lại nhiều lợi ích đối với người dân và đội ngũ y tế, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc BV Bạch Mai nhìn nhận bệnh án điện tử rất hữu dụng, giúp tối ưu trong quản lý, điều hành với các cơ sở y tế cũng như cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực y tế. Thuận tiện trong việc ra các chỉ định, phê duyệt chuyên môn, các y lệnh, hội chẩn liên khoa. “Áp dụng bệnh án điện tử còn giúp tránh lãng phí nguồn lực, nhân lực vật lực, không gian cơ học lưu trữ do giảm tải in ấn, ghi chép giấy tờ, phim chụp... Ước tính, việc này có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho y tế.
“Khi mọi hồ sơ bệnh án, thông tin về bệnh được lưu trữ điện tử, không chỉ dễ dàng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh mà còn trở thành nguồn dữ liệu khổng lồ để nghiên cứu, kiểm soát, phát hiện các căn nguyên gây bệnh, dự đoán mô hình chuyển biến, xây dựng các phác đồ dự phòng và điều trị hiệu quả, đưa ra cảnh báo và ứng phó kịp thời. Đây chính là lợi ích lớn lao đối với ngành y tế, với mỗi quốc gia và toàn thế giới”.
PGS.TS Vũ Văn Giáp
|
Chuyển đổi số là một trong những điểm sáng nổi bật của ngành y tế năm 2024, là kỳ vọng của các cấp lãnh đạo trong công tác khám chữa bệnh từ xa cũng như nâng cao trình độ cho tuyến y tế cơ sở. Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long định hướng nhiệm vụ của ngành y tế tập trung vào một số nội dung trọng tâm thời gian tới, trong đó cần tích cực thực hiện chuyển đổi số, làm sao phấn đấu đạt tỷ lệ cao hơn, từ số hóa hồ sơ, y tế điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm…./.
Nguyên Hà - Hương Giang