Bất đồng về mức thu phí
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát tháo gỡ tồn tại bất cập trong các dự án BOT trên toàn quốc, ngày 28/11/2018 UBND tỉnh Nam Định đã có thông báo số 200/TB – UBND, về việc, xử lý vướng mắc tại Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc. Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đã đàm phán với nhà đầu tư dự án BOT Mỹ Lộc (Công ty cổ phần TASCO) đưa ra phương án giảm phí qua trạm từ ngày 01/01/2019. Cụ thể, mỗi lượt xe dưới 12 chỗ giảm từ 30.000 đồng xuống 15.000 đồng; xe từ 12 đến 30 ghế giảm từ 40.000 xuống 25.000 đồng; xe trọng tải từ 18 tấn trở lên giảm từ 160.000 xuống 120.000 đồng.
Ngày 05/1/2019 Sở GTVT tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và Công ty cổ phần TASCO tổ chức họp báo để chia sẻ thông tin đến các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương và người dân. Đây là bước minh bạch hóa thông tin về Dự án tuyến tránh thành phố Nam Định, từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, cung đường này được đầu tư với chiều dài tuyến chính L = 3,9km (từ Km 21 + 168,18 đến Km 25 + 68,18) và chiều dài tuyến nhánh L= 555m (từ Km 144 + 56/QL21 cũ tới tuyến đường bộ mới Phủ Lý Nam Định).
Tưởng chừng sau khi nhà đầu tư BOT, cơ quan quản lý minh bạch hóa thông tin dư luận sẽ hiểu và có sự chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều ý kiến không đồng tình với mức phí mới. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư căn cứ vào Thông tư 35/2016/TT - BGTVT, ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT (Thông tư 35) quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án xây dựng đường bộ kinh doanh, thì tại sao lại không áp dụng biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo chặng? Theo đó, tại phụ lục II có quy định, với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng thì mức giá tối đa là 2.100 đồng/km. Vì thế, quãng đường tuyến tránh thành phố Nam Định chỉ thu tối đa là 9.000 đồng, chứ không thể thu đến mức 15.000 đồng.
Bên cạnh đó còn nhiều ý kiến phản ánh, việc đặt trạm BOT chưa hợp lý. Theo đó, khi người tham gia giao thông đi vào tuyến nhánh 555m và dẽ trái di chuyển về hướng Phủ Lý, mặc dù không hề sử dụng phần đường 3,9 km nhưng vẫn phải trả phí. Nhiều ý kiến cho rằng, việc UBND tỉnh Nam Định để cho nhà đầu tư xây dựng tuyến nhánh 555m nối Quốc lộ 21B và 21A, như tiếp tay cho nhà đầu tư tận thu, “chặn” quyền đi lại bình thường của các chủ phương tiện khi lưu thông từ Quốc lộ 21B (đoạn đường thị trấn Mỹ Lộc Phủ Lý dài 21,168 thuộc dự án BT) sang Quốc lộ 21A ( đường được đầu tư bằng vốn Ngân sách Nhà nước)
Theo phản ánh, việc Văn phòng chính phủ đồng ý Bộ GTVT bàn giao Trạm thu phí Mỹ Lộc (đặt trên Quốc lộ 21A) cho tỉnh Nam Định từ ngày 01/6/2009, và tỉnh bàn giao cho TASCO để thu phí cho BOT tuyến tránh bắt đầu từ 1/8/2009 là bất hợp lý, bởi hai lý do: Thứ nhất, đến 29/01/2010 dự án mới khởi công và tháng 9/2019 mới hoàn thành đưa vào sử dụng, nghĩa là người tham gia giao thông chưa sử dụng tuyến tránh BOT tại sao phải trả phí?; Thứ hai, chủ phương tiện có thể sẽ không lựa chọn hướng di chuyển sử dụng tuyến tránh BOT sao phải trả phí?
Sở GTVT và nhà đầu tư nói gì?
Lý giải việc áp dụng mức thu 15.000 đồng mỗi khi qua trạm BOT Mỹ Lộc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết: “Đây là dự án thu phí hở, cung đường có rất nhiều đường ra, đường vào nên bất luận ai đi qua trạm thu phí thì phải trả tiền”. Về phía nhà đầu tư, ông Trịnh Xuân Nam, Giám đốc TASCO 6 (đơn vị quản lý tuyến tránh thành phố Nam Định) cho biết: “Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc đưa ra biểu giá thu phí căn cứ vào Thông tư 35, áp dụng biểu giá tối đa cho sử dụng đường bộ theo lượt, bởi lẽ đây là dự án thu phí hở”. Theo phụ lục I, Thông tư 35 thì với xe dưới 12 chỗ ngồi có mức giá là 52.000 đồng/vé/trên lượt. Vậy là thay vì áp dụng phụ lục I thì nhà đầu tư lại áp dụng phụ lục II để có lợi cho mình, thời gian hoàn vốn nhanh hơn.
Liên quan đến câu hỏi người tham gia giao thông không sử dụng đoạn 3,9 km nhưng vì sao vẫn phải trả phí, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Trước khi đặt trạm thu phí BOT Mỹ Lộc, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ GTVT. Trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và tham mưu của các sở ban ngành, UBND tỉnh Nam Định đã trình HĐND tỉnh và HĐND tỉnh đã có văn bản chấp thuận vị trí đặt trạm BOT tại km21 +174,82”. Ông Hùng chia sẻ thêm, nếu không muốn trả phí thì chủ phương tiện có thể di chuyển trên tuyến Quốc lộ 21A, vẫn đảm bảo đủ các điều kiện để lưu thông an toàn.
Về việc thu phí trước khi dự án BOT Mỹ Lộc hoàn thành đưa vào sử dụng, ông Trịnh Xuân Nam cho rằng: “Tất cả dựa vào phương án tài chính. Thu trước thì thời gian hoàn vốn sẽ giảm”.
Tuy nhiên, nhìn vào Bảng tổng hợp thông tư quy định mức thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc từ năm 2009 đến năm 2018 thì việc người dân đặt câu hỏi về tính minh bạch trong phương án thu phí và tại sao không thu với mức giá 10.000 đồng là có cơ sở. Bởi lẽ, thời điểm bắt đầu thu phí cho đoạn tuyến tránh BOT Mỹ Lộc cũng chỉ có 10.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi. Và việc giảm giá vé từ 30.000 đồng xuống 15.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi là do gặp phải sự phản đối gay gắt của người tham gia giao thông, chứ chưa có sự tường minh trong cách tính phí cho trạm BOT này.
Luật sư Vũ Thanh Nhàn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về nguyên tắc tính phí, Thông tư 35 có quy định liên quan đến hai phụ lục phù hợp về thẩm quyền ban hành, trước khi ban hành đều thông qua Bộ Tài chính phê duyệt. Điều này được hiểu là Chủ đầu tư được quyền tự áp dụng cách tính phí, phù hợp với tính chất của từng cung đường.
Cốt lõi câu chuyện trạm BOT Mỹ Lộc là việc người dân thắc mắc “chúng tôi không sử dụng đoạn 3,9 km sao phải đóng phí”, và “phương án nào để chúng tôi, hưởng lợi từ dự án BT”, hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục, thấu đáo từ phía các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập tại các dự án BOT giao thông. Bởi thế, khi chưa minh bạch hóa về: Tổng mức đầu tư; số năm thu phí, mức phí; ví trí đặt trạm; những cam kết ưu ái có lợi cho nhà đầu tư… tại các dự án BOT giao thông thì vẫn còn đó những phản ứng từ phía người tham gia giao thông.