Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm.
Cơ sở cho đề xuất này là do nhiều ý kiến cho rằng, Luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế và việc tăng giờ làm giúp người lao động tăng thu nhập.
Tuy nhiên, nếu Luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để yêu cầu công nhân làm thêm nhiều hơn, không bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Vậy làm sao để việc tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm mang lại lợi ích thực sự cho người lao động?
Trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít.
Thực tế nhiều doanh nghiệp đang vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn. Các kết quả khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều chỉ ra rằng hầu hết người lao động ở tất cả các ngành nghề, kể cả dệt may, da giày đều có mong muốn được giữ nguyên thời gian làm thêm như hiện nay.
Nhiều công nhân lao động khi được hỏi cho biết, do lương thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên đa số công nhân lao động tăng ca để cải thiện thu nhập.
Bàn về vấn đề này, ông Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, đa số công nhân lao động là người ngoại tỉnh, phải trang trải nhiều thứ nên công nhân muốn làm thêm để có thêm thu nhập. Còn nếu lương đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì họ chắc chắn không muốn làm thêm vì làm thêm rất vất vả.
Ông Vũ Quang Thọ cho biết:“Sở dĩ muốn làm thêm vì tiền lương quá thấp, bình quân theo khảo sát của chúng tôi là 4.620.000 đồng, chưa được 200 USD. Như vậy, người công nhân vừa phải thuê nhà, vừa phải trang trải cuộc sống, nuôi con, gửi về quê giúp gia đình nên họ cần làm thêm. Thời điểm họ cần làm thêm chính là những tháng cuối năm”.
Trong khi đó, theo đại diện các doanh nghiệp, trong một số ngành nghề như dệt may, da giày, xuất khẩu, chế biến thủy sản thì công việc phụ thuộc vào đơn hàng. Vì vậy, nên nới rộng khung giờ làm thêm, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng thu nhập cho người lao động.
Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm cũng đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.
Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VASEP cũng khẳng định, điều chỉnh này mang lại những lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp:“Dự thảo có điều chỉnh là một điều tích cực với các doanh nghiệp đang sử dụng lao động. 100 giờ so với hiện tại, đây là tạo ra một sự linh hoạt. Đối với giờ làm thêm, ngày làm thêm thì phải điều chỉnh khung pháp lý để có chi trả phục hồi sức lao động”.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia lao động, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Đó là tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm; có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.
Do đó, để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật Lao động cần quy định các biện pháp cụ thể. Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết về điều này:“Dự thảo cũng quy định trong những trường hợp đặc biệt mới làm thêm giờ. Và chỉ những ngành nghề sau này được Chính phủ quy định chi tiết thì mới được làm thêm, đồng thời phải có quy định điều kiện làm thêm giờ hết sức chặt chẽ. Tôi cho rằng mức điều chỉnh thêm 100 giờ trong những trường hợp đặc biệt là rất hợp lý, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, có thể doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn”.
Việc tăng giờ làm thêm, theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu là một giải pháp tình thế, bởi hiện nay không ít lao động vẫn có nhu cầu làm thêm vì thu nhập của họ quá thấp, không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống gia đình, nuôi con cái.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người lao động, cơ quan chức năng cần quy định theo hướng tiền lương của người lao động phải được doanh nghiệp trả lũy tiến - càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Có như vậy doanh nghiệp mới không huy động lao động làm thêm giờ tràn lan.
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về làm thêm giờ sẽ mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động lên tối đa 400 giờ mỗi năm. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần được nghiên cứu và phân tích những tác động ngược của việc tăng giờ làm thêm.
Theo Nguyễn Yên/VOVGiaothong
Tăng giờ làm thêm, có lợi bất cập hại?
(Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)
Đề xuất tăng giờ làm việc được đề cập trong dự thảo sửa đổi Luật lao động xuất phát từ nhu cầu nào?
Đầu tiên, đó là nhu cầu từ các doanh nghiệp, khi có thể huy động người lao động tăng ca tối đa để đáp ứng các mục tiêu sản xuất ngắn hạn của mình, để kịp tiến độ giao hàng trong những thời điểm nhất định, để không phải duy trì lượng lao động dự phòng.
Nhu cầu được tăng giờ làm nhằm nâng cao thu nhập của người lao động cũng được những người soạn thảo dự luật đề cập. Song, lợi ích cốt lõi của người lao động là tăng thu nhập, không đồng nghĩa với việc tận thu sức lao động của mình bằng mọi giá.
Vì thế, có thể thấy rõ, điểm cốt yếu trong đề xuất tăng giờ làm việc tại dự thảo luật lao động sửa đổi là vấn đề lợi ích thuần túy của doanh nghiệp. Vậy, lợi ích này sẽ tạo nên những tác động như thế nào?
Mặt tích cực là điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa hạ tầng sản xuất của mình để tăng ca, giảm chi phí, trong khi không phải duy trì lực lượng lao động cơ hữu quá lớn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là việc được phép tăng giờ làm thêm sẽ khiến những hành lang bảo vệ quyền được đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của người lao động bị tháo dỡ.
Khi giới hạn làm thêm giờ của người lao động không còn nữa, họ sẽ có những nguy cơ cả chủ quan, và khách quan để không thể từ chối làm thêm giờ. Về mặt chủ quan, người lao động có thể dễ dàng nhận làm thêm để tăng thu nhập bất chấp khả năng sức khỏe của bản thân. Về mặt khách quan, họ sẽ khó từ chối làm thêm giờ trước sức ép của chủ sử dụng lao động.
Thực tế, trong rất nhiều ngành nghề đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ, và sa thải khi tuổi còn rất trẻ, sau quá trình sử dụng chỉ 10 đến 15 năm. Người lao động bị vắt sức trong các công xưởng với thời gian tăng ca triền miên sẽ nhanh chóng suy hao thể lực, trí lực và không thể làm việc lâu dài.
Việc khống chế thời gian làm việc tối đa trước nay được quy định dựa trên những tính toán khoa học về thể trạng của số đông người lao động, cũng như các yếu tố về tâm lý, văn hóa, đời sống của người lao động trong các ngành nghề khác nhau.
Nếu chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp mà phá bỏ các quy định nhằm bảo vệ, duy trì khả năng lao động dài lâu của người lao động thì hậu quả sẽ là rất nhiều hệ lụy đối với xã hội.
Đặc biệt là gia tăng tình trạng thất nghiệp khi các doanh nghiệp thay vì tuyển dụng bổ sung thì sẽ tăng ca cho lực lượng lao động hiện có.
Để giảm chí phí sản xuất, nâng cao thu nhập của doanh nghiệp, người lao động, công cụ cần thiết là đổi mới doanh nghiệp, tăng cao khả năng vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả, thay vì tăng giờ làm việc một cách cơ hữu.
Thay đổi giờ làm việc của người lao động, nếu cần, phải dựa trên các căn cứ khoa học đa ngành, các yêu tố đời sống xã hội, chứ không thể chỉ dựa trên lợi ích của các doanh nghiệp.
|