Chuyển biến tích cực trong việc chấp hành Luật Giao thông
Nhiều hành vi vi phạm giao thông bị xử phạt tăng mạnh, từ 30 đến gần 50 lần so với Nghị định 100. Nhiều ý kiến cho rằng, bất kỳ quy định mới nào khi đưa vào áp dụng trong thực tế sẽ có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu giảm số người tử vong và thiệt hại do tai nạn giao thông, thì mọi hoạt động giao thông cần lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Thực tế, sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, đã có những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành luật giao thông tại một số địa phương. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nhiều ở một số khu vực, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đây là cái cớ để một số người quy chụp nói rằng Nghị định là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông. Thay vì quy chụp như vậy, cần thấy rằng việc thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã làm lộ rõ một số bất cập trong tổ chức giao thông tại Hà Nội và TP.HCM".
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế. Hệ thống đường sá tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM đã quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ. Xe buýt, tàu điện ngầm chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, khiến nhiều người vẫn phải lựa chọn phương tiện cá nhân, gây áp lực lên hệ thống đường sá. Thiếu các tuyến đường dành riêng cho xe đạp, người đi bộ, việc này khiến người đi bộ và người đi xe đạp phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế dẫn đến vi phạm luật giao thông còn phổ biến: "So sánh trước và sau khi tăng mức xử phạt theo Nghị định 168, rõ ràng là trước đây có rất nhiều người vi phạm luật giao thông, chưa hình thành thói quen đi đúng làn đường, nhường đường cho người khác. Nhiều người vẫn có thói quen đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, gây khó khăn cho việc điều tiết giao thông. Tiếp đến là công tác quản lý, điều tiết giao thông còn nhiều bất cập. Số lượng cảnh sát giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực đông đúc. Các chương trình tuyên truyền về luật giao thông chưa thực sự hấp dẫn và đến được với đông đảo người dân. Hiện nay, việc thiếu các camera giám sát đã tạo điều kiện cho nhiều người vi phạm luật giao thông. Việc thực hiện Nghị định 168 là một bước đi cần thiết để nâng cao ý thức và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
\CSGT rất khó tiếp cận hiện trường tai nạn vì không có làn dừng khẩn cấp hay đường gom
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng (Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 - Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết: "Việc ùn tắc giao thông trên cao tốc phần lớn do tai nạn giao thông xảy ra. Ở những cao tốc đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường rất nhanh và có các biện pháp khắc phục tạm thời hoặc phân luồng từ xa một cách dễ dàng nên tình trạng ùn ứ nếu có cũng nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cao tốc được xây dựng với tên gọi là phân kỳ, chỉ có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp hay đường gom gây ra vô vàn khó khăn thậm chí lực lượng chức năng không thể tiếp cận được hiện trường tai nạn trong thời gian dài".
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng nêu ví dụ trên tuyến cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45, đây là hai tuyến cao tốc mới được hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023 và 2024. Đây là 2 trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 đang được khai thác với tốc hạn chế do mới chỉ có 4 làn xe. Qua quá trình khai thác tuyến đường, không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà tuyến đường mang lại, tuy nhiên cũng bắt đầu phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
"Liên tiếp trong thời gian gần đây, cứ vào dịp cao điểm vận tải, dịp lễ tết, cuối tuần là tuyến đường này có nguy cơ ùn tắc giao thông do tai nạn và va chạm giao thông. Hiện nay mới chỉ có hai làn xe chạy mỗi bên mà không có làn khẩn cấp. Do phân kỳ đầu tư, nên tuyến đường mới chỉ được bố trí các dải dừng khẩn cấp ngắn, cự ly cách nhau từ 3 – 5 km. Khi các xe gặp sự cố hầu hết phải dừng trên làn đường xe chạy. Nếu lái xe không kịp thời đặt cảnh báo từ xa, hoặc không có thiết bị cảnh báo (đèn tam giác, chóp nón phản quang…) trang bị sẵn trên xe thì tai nạn rất dễ xảy ra, nhất là vào ban đêm. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra vì lý do này”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng nêu tình huống.
Ngoài ra, do khổ đường hẹp cộng với mật độ phương tiện lớn, nên bất cứ vụ tai nạn va chạm hay sự cố xe, dù lớn hay nhỏ chỉ cần một xe quay ngang đường là xảy ra tắc đường. Khi tắc đường, lực lượng chức năng cũng rất khó tiếp cận vì không đó đường gom 2 bên, không có làn dừng khẩn cấp: "Hầu hết, chúng tôi phải tiếp cận hiện trường bằng xe mô tô. Sau đó, phải tổ chức phân luồng, tạo làn cho xe cứu hộ vào hiện trường, rồi khám nghiệm hiện trường… mất rất nhiều thời gian. Để xử lý xong một vụ tai nạn thông thường phải mất 3 – 4 tiếng, có vụ mất cả nửa ngày. Tuy nhiên, việc tiếp cận bằng xe mô tô trên cao tốc là vô cùng nguy hiểm chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần cần sớm khắc phục hạ tầng giao thông trên để đảm bảo an toàn trên tuyến. Hiện nay phía tỉnh Ninh Bình đã sớm tiếp thu ý kiến và đang chuẩn bị khởi công mở rộng tuyến Cao Bồ - Mai Sơn".
Thậm chí, theo Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, tuyến cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45 hiện chưa trạm dừng nghỉ đúng tiêu chuẩn dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe buồn ngủ, lái xe không chú ý quan sát… Hệ thống chiếu sáng nhiều nơi đã lắp đặt nhưng chưa bật, vị trí các cầu vượt chưa có lưới chắn vật rơi, tốc độ giới hạn không đồng nhất (tuyến Cao Bồ – Mai Sơn tốc độ tối đa 80km/h; tuyến Mai Sơn – QL45 90km/h; đoạn trạm dừng nghỉ tạm 60km/h)… cũng là nguyên nhân tiềm ẩn TNGT.
Nói về các giải pháp để ngăn chặn tai nạn, ngoài việc chia ca, chia tổ tăng cường tuần tra lưu động xử lý vi phạm 24/24h, thì Đội TTKSGT số 3 đã phối hợp với các khu quản lý đường bộ, ban ATGT các địa phương và đơn vị quản lý khai thác tiến hành rà soát, đưa ra các giải pháp và kiến nghị đối với cơ quan liên quan.
Cùng đó, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hoá thường xuyên lưu thông trên tuyến; tổ chức dán tặng miếng dán phản quang, hướng dẫn cách đặt cảnh báo khi xảy ra tai nạn. Đặc biệt, trong thời gian tới, đội xe xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông; nghiêm khắc xử lý các hành vi mang tính chất cố tình vi phạm để gây ra hậu quả nghiêm trọng làm bài học cảnh tỉnh cho người khác.
Văn Ngân/VOV.VN