Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, thế nhưng đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa "chốt” phương án thi khiến cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong ngóng, căng thẳng.
Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 18/12/2024. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD-ĐT, học sinh thi vào lớp 10 sẽ thực hiện 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và một môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ cở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Năm 2025 cũng là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, nhưng đến cuối kỳ 1 của năm học, phương án thi vẫn chưa “ngã ngũ” khiến cả học sinh và giáo viên đều loay hoay, nhất là trong bối cảnh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương ngày càng căng thẳng như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai dự định thi vào cả trường chuyên và trường công lập chia sẻ, vì chưa biết rõ phương án thi, nên việc học càng áp lực hơn, thiếu định hướng rõ ràng.
“Ngoài việc học thêm 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, con còn tập trung ôn thi môn chuyên Lịch sử. Không có thế mạnh ở môn Khoa học tự nhiên, nên con vẫn tranh thủ học thêm môn này 1 tuần 2 buổi kết hợp với tự học online ở nhà. Lịch học của con ngày nào cũng dày kín, thậm chí cuối tuần cũng không được nghỉ", chị Hà nói.
Lo lắng, áp lực là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 trong năm tới. Trên nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm thi vào lớp 10, mỗi ngày có đến hàng chục bài viết của các phụ huynh đăng thông tin tìm lớp học thêm, tìm gia sư, giáo viên ôn thi cho con.
Chị Lương Thanh Trúc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vì chưa biết phương án thi ra sao, nên gia đình chị đầu tư cho con học thêm tất cả các môn có thể thi.
"Đến thời điểm này vẫn chưa biết sẽ thi cố định 3 môn hay môn thi thứ 3 sẽ thay đổi hàng năm, do đó gia đình tôi cho con học thêm đều tất cả các môn ngoài thời gian học trên lớp. Cách học này gây mệt mỏi, dàn trải và áp lực, nhưng nếu không cố gắng chuẩn bị kỹ, đến gần ngày thi sẽ rất khó để bù đắp kiến thức”, chị Trúc chia sẻ.
Phụ huynh này cũng hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ sớm chốt phương án thi để học sinh yên tâm học tập.
Thầy Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT FPT Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành quy chế tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026, do đó các Sở GD-ĐT cũng chưa thể có kế hoạch cụ thể cho địa phương, điều này gây hoang mang cho các trường, phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Kế hoạch tuyển sinh mới liên quan trực tiếp đến định hướng ôn tập vào lớp 10 của học sinh ra sao, do đó rất cần Bộ GD-ĐT nhanh chóng ban hành để các Sở GD-ĐT cũng như các trường sớm xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh.
“Đáng ra việc ban hành quy chế tuyển sinh cần sớm hơn, bởi lẽ với chương trình GDPT 2018 việc học tập, phân loại, đánh giá học sinh đã rất mới, việc công bố phương án tuyển sinh lại chậm trễ, càng khiến học sinh cũng như các nhà trường trong trạng thái hoang mang, tự mình phải đưa ra nhiều phương án dự phòng khác nhau trong phương pháp dạy và học, ôn tập cho học sinh".
Tại Trường THCS-THPT FPT Bắc Giang, hiện nay các môn chắc chắn nằm trong môn thi lớp 10 như Toán, Ngữ văn đều được ôn thi như thường lệ, bám sát chương trình GDPT mới. Riêng môn thứ 3, hiện chưa có quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT, nên đến thời điểm này học sinh vẫn học đều trên lớp, ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các lớp học tăng cường luân phiên giữa các môn khác nhau để ôn tập kiến thức cho các em.
Cô Hoàng Thanh Nga, giáo viên THCS tại Hà Nội cũng cho rằng, đây là năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình mới, bởi vậy không chỉ học sinh và giáo viên cũng rất lo lắng. Hiện các trường đã gần kết thúc học kỳ 1, nhưng vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 là rất chậm. Ngoài việc dạy kiến thức theo đúng chương trình, giáo viên vẫn kết hợp để giúp học sinh vừa học, vừa ôn.
Cô Nga hy vọng phương án tuyển sinh lớp 10 sẽ được ổn định qua các năm về số môn thi, phương thức tổ chức kỳ thi. Về việc lo học sinh học lệch, sao nhãng các môn học khác nếu biết trước 3 môn thi vào lớp 10, giáo viên này cho rằng, trong quá trình học, học sinh đều phải hoàn thành các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản số 8347/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, báo chí đã có thông tin phản ánh liên quan dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo đó, dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đề xuất quy định thi lớp 10 thực hiện 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và một môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ cở giáo dục đại học có trường trung học phổ thông lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh đồng tình với phương án thi 3 môn vào lớp 10 trung học phổ thông tuy nhiên băn khoăn, lo lắng về môn thi thứ 3 "bí mật" được công bố sát kỳ thi là rất gấp gáp. Phụ huynh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh thời gian công bố môn thi sớm hơn để học sinh ôn tập.
Trước thông tin phản ánh nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân để hoàn thiện, ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và các em học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả./.
Theo VOV.VN