Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm.
Triển khai đồng bộ
Các chính sách hỗ trợ người nghèo luôn luôn phát huy hiệu quả, qua đó giúp hộ nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, Thanh Hóa tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể theo các dự án thành phần của chương trình như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban, Phó Chủ tịch thường trực HĐND, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh là thành viên. Đây là địa phương duy nhất trong cả nước Trưởng ban Chỉ đạo là Bí thư Tỉnh ủy, do vậy đã tăng cường, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo.
Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, của người nghèo, cận nghèo và cộng đồng dân cư về công tác giảm nghèo, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và các hình thức tuyên truyền khác trên địa bàn về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội như: treo băng rôn, pano truyền thông giảm nghèo ở các vị trí công cộng nhằm nâng cao nhận thức đối với người nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; phát hành tài liệu về công tác giảm nghèo, tờ rơi tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm... Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thi truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV bằng hình thức sân khấu hóa.
Huy động mọi nguồn lực
Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm, 2024 - 2025. Tổng số đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong 2 năm 2024-2025 theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đợt 1, đợt 2 và đợt 3) là 15.438 hộ (trong đó: 10.750 hộ đề nghị xây mới, 4.688 hộ đề nghị sửa chữa), kinh phí 153.300 triệu đồng (tính đến ngày 25/10/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 3 cấp là trên 241 tỷ đồng). Trong đó, có hơn 5.000 hộ thuộc 6 huyện nghèo (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh và Thường Xuân) được hỗ trợ từ nguồn vận động này của tỉnh.
Bên cạnh đó, để thực hiện các dự án thuộc Chương trình, các hộ trực tiếp tham gia vào dự án 2, Tiểu dự án 1 Dự án 3, Dự án 5 đã đóng góp kinh phí, tiền mặt, hiện vật và ngày công để cùng thực hiện và trực tiếp thụ hưởng sự hỗ trợ từ Chương trình. Tổng kinh phí huy động giai đoạn 2021-2024 ước đạt 514.656 triệu đồng. Trong đó, kinh phí huy động của Dự án 2 chiếm khoảng 24% vốn trung ương; tiểu dự án 1 dự án 3 khoảng 43% vốn trung ương; dự án 5 khoảng 150% vốn Trung ương hỗ trợ.
Điểm sáng trong giải ngân vốn...
Các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được triển khai đồng bộ, là tỉnh giải ngân vốn thuộc nhóm cao của cả nước.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2024 đến nay được 369.281 triệu đồng, đạt 51,2% (gồm 117.955 triệu đồng vốn năm 2022, 2023 kéo dài và 251.326 triệu đồng vốn kế hoạch năm 2024). Lũy kế giải ngân từ năm 2022 đến nay được 974.966 triệu đồng, đạt 70,3% so với tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển.
Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 đến nay được 161.103 triệu đồng đạt 22% (gồm 116.050 triệu đồng vốn năm 2021, 2022, 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024 và 45.053 triệu đồng vốn năm 2024). Lũy kế giải ngân từ năm 2021 đến nay được 502.139 triệu đồng, đạt 38% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 44% tổng vốn sự nghiệp đã giao chi tiết.
Theo ông Lê Bá Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm và giai đoạn đạt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao, cụ thể: giai đoạn 2022-2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 4,75% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 giảm 1,50%); bình quân giai đoạn 2022-2024 mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,58%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao (Thủ tướng Chính phủ giao giảm bình quân hàng năm 1,5%).
Những kết quả trên cho thấy, Chương trình GNBV đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả, Thanh Hóa cần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin…). Đồng thời, tỉnh cần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện sống của người nghèo, gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, Thanh Hóa quan tâm hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo bền vững./.