Sáng 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế cùng phối hợp tổ chức tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng thuốc (AMR) (từ 18 - 24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay” nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, theo WHO kháng thuốc là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào. Trên thế giới đã xuấn hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết các kháng sinh (còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu.
Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc. Lạm dụng và sử dụng sai mục đích thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật và thực vật - là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc. Thiếu thực hành kê đơn thuốc hợp lý và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần vào tình trạng này.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, năm 2023, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Môi trường, Công Thương bao gồm các nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ sức khỏe, doanh nghiệp, nông dân và cá nhân. Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025 với các mục tiêu rõ ràng, bao gồm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, thú y, cộng đồng về kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc; giảm sự lây truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh ở người và động vật.
"Khi tất cả các ban ngành và cộng đồng cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể kiểm soát kháng thuốc hiệu quả, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bà Erin Kenny - Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO tại Việt Nam phát biểu.
Đại diện WHO tại Việt Nam, bà Erin Kenny, Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân nhấn mạnh, kháng thuốc là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị và tốn kém hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động cả bệnh nhân và người chăm sóc, và là ưu tiên trong hỗ trợ của WHO đối với Việt Nam. Các lĩnh vực cần tập trung là giáo dục, vận động chính sách và hành động để triển khai hiệu quả chiến lược, kế hoạch đã đề ra.
Tại Lễ mít tinh, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế kêu gọi lãnh đạo, nhân viên tại tất cả các cấp trong hệ thống y tế, các cơ quan, tổ chức, người dân chung tay thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc. Cùng xây dựng một tương lai tươi sáng, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cho các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh.
TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh cho biết về kế hoạch hành động tập trung vào 5 mục tiêu chung: Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc; Ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm; đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật; góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
|

Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Irland tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Irland tại Việt Nam cho biết, việc chính thức ban hành Kế hoạch hành động trong lĩnh vực y tế ngày hôm nay là một bước ngoặt quan trọng, góp phần đáng kể vào các nỗ lực giảm thiểu kháng thuốc trên toàn cầu, định hình sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ mai sau./.

Các đại biểu trong nước và quốc tế cam kết cùng Việt Nam triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế năm 2024-2025.
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Mọi người chỉ nên dùng kháng sinh và các loại thuốc kháng vi sinh vật khác theo đơn của nhân viên y tế được phép kê đơn; luôn tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh còn thừa; phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng vaccine đầy đủ.
|
Lưu Hường