Theo quy định hiện hành, sau khi tịch thu xe đua, nếu là xe chính chủ, chủ phương tiện không liên quan, thì phải trả lại phương tiện. Điều này khiến việc xử lý gặp khó khăn, hiệu lực răn đe bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Bạn Mai Hoa, sinh viên Đại học năm thứ 2 đã từng chứng kiến cả đoàn xe máy đua xe trên đường nên luôn có tâm lý bất an mỗi khi ra đường vào buổi tối. Theo bạn Hoa, hành vi đua xe là một hành vi nguy hiểm đối với xã hội nhưng hiện nay các quy định xử lý vi phạm còn bất cập: "Mình thấy quy định không sử dụng xe chính chủ gây mất trật tự chưa đủ sức răn đe các bạn đó, các bạn ý sẽ tiếp tục các hành vi gây mất TTAGT, thậm chí gây tai nạn giao thông. Pháp luật cần những quy định chặt chẽ hơn răn đe hành vi của các bạn đó".
Một số người tham gia giao thông từng bắt gặp những thanh niên tụ tập đua xe cũng thấp thỏm, bất an.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho hay, có những trường hợp chủ xe cho mượn phương tiện và người mượn đáp ứng đầy đủ các điều kiện để điều khiển phương tiện, như đủ tuổi, có giấy phép lái xe… nhưng nếu người mượn phương tiện vi phạm luật giao thông đến mức bị tịch thu phương tiện thì cơ quan chức năng chỉ có thể tạm giữ phương tiện, không thể buộc chủ phương tiện chịu trách nhiệm về vi phạm của người mượn phương tiện.
Thực tiễn xảy ra khá nhiều trường hợp như vậy và khi xử lý vật chứng vẫn phải trả lại cho người sở hữu phương tiện. Đây là vướng mắc rất lớn trong việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
"Chỉ tịch thu phương tiện khi không xác định được chủ phương tiện là ai, hoặc chủ thể của phương tiện đó chủ động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Còn nếu người ta cho mượn, người ta không thể biết được thì không thể tịch thu phương tiện đó được", Thượng tá Quỹ cho biết.
Theo LS Phan Kế Hiền, Giám đốc công ty Luật Bảo Tín, Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định các biện pháp xử lý đối với phương tiện vi phạm như sau: "Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính - hình thức xử phạt, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính - biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Các biện pháp này nhằm mục đích xác minh các tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính hay để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt,…".
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu quy định tịch thu phương tiện đối với các đối tượng đua xe trái phép. Ảnh: Lao Động
Bên cạnh đó, đối với những phương tiện vi phạm pháp luật, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015, chủ sở hữu phương tiện chỉ có thể yêu cầu người đã mượn phương tiện và có hành vi vi phạm pháp luật bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hỏng, hủy hoại…Bởi vậy, theo LS Phan Kế Hiến, các phương tiện được sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật và cần phải có những biện pháp xử lý thích hợp.
Ông Đinh Thế Hưng, Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, về mặt nguyên tắc, công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vi phạm pháp luật phải bị tịch thu, nhưng đi kèm với nó là người chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện phải có lỗi trong hành vi vi phạm pháp luật đó hoặc để cho những người vi phạm pháp luật sử dụng công cụ, phương tiện của mình để phạm tội hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 106 Bộ luật tố tụng năm 2015 có quy định về việc xử lý vật chứng như sau: "Về nguyên tắc, vật chứng của vụ án, bao gồm cả tang vật, cơ quan điều tra vẫn phải thu giữ, nhưng sau đó, xử lý vật chứng như thế nào thì sẽ phụ thuộc vào việc nếu có lỗi thì sẽ tịch thu sung công quỹ hoặc tịch thu tiêu hủy.Còn nếu chủ sở hữu công cụ, phương tiện không có lỗi thì trả lại cho người chủ sở hữu hợp pháp. Quan trọng nhất là phải chứng minh chủ sở hữu phương tiện có lỗi hay không có lỗi".
Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng nếu chủ sở hữu hợp pháp không vi phạm hoặc có lỗi trong hành vi vi phạm luật giao thông thì cơ quan chức năng khó tịch thu được phương tiện. Bởi vậy, đại tá Nguyễn Hữu Luyện cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật về tịch thu phương tiện vi phạm: "Luật không cho phép thì chúng ta phải nghiên cứu tính chất logic và liên tục của nó, dẫn đến hậu quả như thế thì phải sửa luật. Tôi lại nghĩ là nếu như không có phương tiện này thì anh không thể thực hiện được hành vi phạm tội. Cho nên theo tôi, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ ngồi lại với nhau để ra một nghị quyết là tịch thu được. Có như thế thì tôi nghĩ là mới ngăn chặn được tình trạng vi phạm pháp luật bằng việc sử dụng các phương tiện khác".
Biện pháp tạm giữ, tịch thu phương tiện là biện pháp cần thiết trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tình trạng thanh thiếu niên mượn phương tiện để đua xe, gây nguy hiểm cho xã hội, nhưng những người cho mượn phương tiện lại hoàn toàn “vô can” khiến nhiều đối tượng lợi dụng thời gian qua.
Bởi vậy, bên cạnh những chế tài xử lý những người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm, cũng cần bổ sung các quy định đối với những người cho mượn phương tiện thực hiện đua xe. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Quyền sở hữu gắn với trách nhiệm quản lý tài sản".
Biện pháp tạm giữ, tịch thu phương tiện là biện pháp cần thiết trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tạm giữ phương tiện để ngăn chặn ngay hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội. Còn tịch thu phương tiện là một hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện vẫn sử dụng các loại xe máy để tham gia giao thông, thậm chí lạng lách, đánh võng trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, quá trình xử lý, lực lượng chức năng chỉ có thể tạm giữ phương tiện, mà không thể tịch thu do trong Luật xử lý vi phạm hành chính chưa có những quy định cụ thể, Luật Hình sự quy định chỉ tịch thu phương tiện khi đó là “tang vật” của vụ án, người chủ phương tiện có lỗi khi để người khác sử dụng phương tiện của mình thực hiện vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, để tăng tính răn đe đối với hành vi đua xe trái phép nói riêng và những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nói chung, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung, điều chỉnh quy định của pháp luật cho phù hợp.
Theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sở hữu tài sản có thể hiểu là quyền của một cá nhân hoặc tổ chức đối với tài sản của mình, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản đó.
Để tránh tình trạng vi phạm pháp luật bằng phương tiện của người khác, các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi Luật Sở hữu tài sản, trong đó bổ sung chi tiết trách nhiệm với tài sản nếu như tài sản đó đồng thời là nguồn nguy hiểm đã được pháp luật quy định.
Ngoài vấn đề không giao xe cho người chưa đủ điều kiện, đủ an toàn, còn phải quản lý chặt tài sản là nguồn nguy hiểm để đảm bảo nó không được/bị sử dụng một cách tùy tiện gây rủi ro cho cộng đồng.
Các quy định cần sửa đổi theo hướng gắn trách nhiệm của người chủ sở hữu phương tiện với tài sản của mình. Điều này giúp các chủ sở hữu có ý thức trách nhiệm hơn khi giao phương tiện cho người khác. Đối với những nhóm đối tượng dù có đủ điều kiện sử dụng phương tiện, nhưng có thói quen lái xe ẩu, không cẩn thận, hay có những hành vi tiềm ẩn những nguồn nguy hiểm đối với xã hội, chủ sở hữu có quyền từ chối.
Trong trường hợp, phương tiện bị sử dụng làm công cụ để phục vụ cho các hành vi nguy hiểm, dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, tai nạn, nếu bị cơ quan chức năng tạm giữ phương tiện, chủ sở hữu tài sản phải chịu trách nhiệm của pháp luật.
Thứ hai, Luật xử lý vi phạm hành chính cần bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng đối với những hành vi vi phạm này, cần có sự chính xác trong việc đánh giá tình chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm để thiết kế chế tài phù hợp. Hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt được áp dụng với các vi phạm hành chính nghiêm trọng.
Hành vi đua xe tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tham gia giao thông nên các quy định của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung là hành vi nguy hiểm và có những chế tài xử lý phù hợp. Trong đó, biện pháp thu hồi phương tiện gây tai nạn dù đó là thuộc sở hữu của người thực hiện hành vi vi phạm hay không cần được xem xét.
Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung thêm các quy định của pháp luật giám sát hành vi sử dụng, gắn trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, chủ sở hữu đối với hành vi.
Cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm thật nghiêm. Song song với đó, cha mẹ, các bậc phụ huynh, người giám hộ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc quản lý phương tiện và con em mình, kiên quyết không giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi, điều kiện lái xe để hạn chế thấp nhất những rủi ro không đáng có./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN