Bà Đào Thị Điều (70 tuổi, ở phường Hoành Bồ, Quảng Ninh) mắc bệnh tiểu đường 22 năm qua nhưng không chữa trị, chỉ khoảng 4 năm nay bà mới dùng thuốc đều đặn.
“Mãi cho đến sau này, khi có đoàn khám bệnh về địa phương, con cái động viên đi khám, lúc đó bác sĩ bảo tôi đã chớm tiểu đường rồi, kết quả đo đường máu là 6,5. Lúc tôi đến bệnh viện ở quê để kiểm tra, bác sĩ cho đơn thuốc thì lúc đó tôi mới uống. Khoảng 1 tháng sau tôi lại đến viện để khám, bác sĩ bảo kết quả đã bình thường và dặn không cần uống thuốc nữa”, bà Điều kể.
Đợt này bà Điều liên tục có biểu hiện ốm sốt, chân tay run, không ăn uống và không đi lại được, chưa kể làn da đen sì kèm theo những cơn ngứa nửa người. Khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương thăm khám, bác sĩ cho bà nhập viện ngay.
Hay trường hợp bệnh nhân Lê Thị Tuyến (Hải Phòng) biết mình bắc bệnh đái tháo đường đã 5 năm, nhưng cũng không uống thuốc và tự thực hiện chế độ ăn kiêng. Thời gian gần đây, bà liên tục xuất hiện những cơn đau bụng. Lúc này bà mới đến viện thăm khám, và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường cùng với nhiễm khuẩn tiết niệu, từ đó bà mới được bác sĩ kê đơn và uống thuốc được khoảng 1 tháng nay.
“Tôi cũng đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ cũng chẩn đoán bị tiểu đường nhưng tôi không uống thuốc. Ở nhà tôi tự thực hiện ăn kiêng như ăn nhiều rau, bớt tinh bột trong 5 năm qua. Vừa rồi lên Hà Nội khám, tôi mới bắt đầu uống thuốc”, bà Tuyến nói.
Với trường hợp của bà Điều, Ths. BSNT Trần Mai Nguyên – Khoa Đái tháo đường cho biết, bệnh nhân đã được chẩn đoán bị đái tháo đường hơn 20 năm, uống thuốc theo đơn của bệnh viện tuyến dưới nhưng điều trị không đều, không đi khám thường xuyên và tiêm nhầm các loại insulin.
“Bởi trong điều trị đái tháo đường, insulin có các loại khác nhau, thời điểm tiêm khác nhau, nhưng bệnh nhân Điều đã không tuân thủ điều trị dẫn đến tăng đường máu cấp tính. Lần này bà nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, khát nhiều, tiểu nhiều, chỉ số HbA1c rất cao (12,9 %). Ngoài ra, bệnh nhân không tuân thủ điều trị dẫn đến việc xuất hiện nhiều cơn hạ đường huyết trong ngày, điều này rất nguy hiểm. Mặt khác khi tiêm không đúng nên đường máu trung bình của bệnh nhân cao”, bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên khuyên, trong quá trình bệnh nhân điều trị đái tháo đường, thứ nhất cần phải điều trị theo đơn của bệnh viện, không mua thuốc ở ngoài; thứ 2 cần phải thăm khám thường xuyên giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng chung của bệnh nhân, cũng như chỉ số đường máu để có sự điều chỉnh kịp thời.
“Không chỉ riêng bệnh nhân Điều mà rất nhiều bệnh nhân khác cũng nghĩ rằng, bệnh đái tháo đường chỉ cần khám và điều trị 1 lần. Sau đó họ dùng lại đơn cũ đó để đi mua thuốc. Khi không thăm khám định kỳ, không được điều chỉnh phác đồ, nên có nhiều bệnh nhân khi đi khám đường máu rất cao, thậm chí đã có biến chứng trên tim mạch, điều này thật đáng tiếc cho quá trình điều trị và những tiên lượng sau này của bệnh nhân”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo TS.BS Lâm Mỹ Hạnh, Phụ trách Phó Trưởng khoa Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khi bệnh nhân xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là những biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng. Khi bệnh nhân bị đái tháo đường lâu năm mắc các biến chứng mạn tính thì những biến chứng đó làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm, cùng với đó là gia tăng chi phí của người bệnh.
Với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đa phần đã có biến chứng. Lúc này bệnh nhân không chỉ điều trị con số về đường huyết mà còn điều trị các bệnh đồng mắc khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, đột quỵ não… khiến chi phí điều trị vô cùng lớn. Do đó việc điều trị ngay trong giai đoạn tiền đái tháo đường là rất quan trọng. Bởi thời điểm này, bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, lối sống… sẽ giảm bớt đi chi phí rất nhiều.
Nguyễn Hà/VOV.VN