Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Khánh Hòa đang tích cực triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị). Tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn chuyển đổi sầu riêng và nhiều loại trái cây khác sang hướng hữu cơ. Việc chuyển đổi không chỉ đảm bảo an toàn cho môi trường và người tiêu dùng, phương thức sản xuất này giúp chính người sản xuất nâng cao được hiệu quả kinh tế.
Xã Sơn Lâm, huyện miền núi Khánh Sơn có diện tích trồng sầu riêng khoảng 1.000 hecta, lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Sầu riêng năm nay tiếp tục được mùa, được giá, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Sầu riêng vừa thu hoạch xong, các hộ dân bắt đầu chăm sóc cây, bón phân chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Các hộ dân đang chuyển sang canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường giảm dần phân, thuốc hóa học.
Ông Lê Minh Cảm, thôn Kô Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn cho biết, ông dùng phân vi lượng đạm cá chăm sóc cho 4 hecta sầu riêng. Sử dụng phân hữu cơ giúp cho đất xốp, thoáng khí, cây phát triển tốt và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho chính người chăm sóc: "Cỡ 15 ngày là đọt ra đều, rất hiệu quả. 3 năm nay, tôi chỉ vãi miết phân này, phân hóa học rất ít, không đáng kể, còn lại toàn bộ là sử dụng phân đạm cá. Bón phân này lá to, dày lá. Tôi vãi phân đạm cá, xì mủ không thấy nữa. Sầu riêng sau khi thu hoạch xong cần phân này vãi xuống để đọt bung ra, có sức".
Huyện miền núi Khánh Sơn có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thuận lợi hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả như sầu riêng, chuối, mít... Hiện nay, toàn huyện có hơn 3.500 hecta cây ăn quả, sản lượng hàng năm trên 22.000 tấn. Đặc biệt, cây chuối tại đây được đồng bào dân tộc Raglay trồng trên các sườn đồi, hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học. Tại huyện Khánh Sơn đã có một số doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học, nông dân để chế biến sâu các sản phẩm từ chuối như chuối sấy, bột chuối, giấm chuối, mật chuối... Sau đó, thông qua mạng xã hội, các kênh bán hàng điện tử, phân phối các sản phẩm hữu cơ này đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
"Cây chuối ở Khánh Sơn là nguồn nông sản quý của địa phương, đang bị bỏ phí. Giống chuối này từ xa xưa đã rất ngon, rất ngọt, thơm, ruột màu vàng. Tôi mong muốn nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Cố gắng phát triển các vùng trồng, làm sao thu mua ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn, có giá tốt hơn, họ an tâm làm ăn. Họ cũng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Bản thân gia đình cũng có được sản phẩm tốt mang ra cho người tiêu dùng", chị Nguyễn Thị Hương Thanh, cơ sở chế biến chuối An Hòa, huyện Khánh Sơn cho biết.
Gần 20 năm nay, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã tìm tòi, phát triển nhiều loại cây trồng chủ lực, trong đó phát triển diện tích cây ăn quả đặc sản đã tạo được đột phá trong kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có đến 2.600 hecta cây sầu riêng, sản lượng năm 2024, dự kiến đạt 17.000 tấn, đem lại thu nhập hơn 1.000 tỷ đồng cho bà con. Các nhà vườn đang chuyển mạnh sang canh tác hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn, theo mã vùng trồng. Hơn 350 hecta áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430 hecta.
Trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện Khánh Sơn đang tập trung thực hiện Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp". Chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, kéo dài tuổi thọ cây trồng, đem lại thu nhập lâu dài cho người dân... Ngoài ra, canh tác hữu cơ còn tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sắp tới, Khánh Sơn sẽ xây dựng mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân tìm hiểu hiệu quả, tham quan, học tập; từ đó, nhân rộng ra các vùng sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, nắm bắt kiến thức về thị trường...
"Trồng theo hữu cơ giá trị thu về sẽ cao hơn. Nếu như không có mã vạch, không có truy xuất nguồn gốc, không có mã vùng trồng chỉ bán trên thị trường đã chênh lệch đến 50%. Cho nên xu hướng thích hợp với phát triển trái cây hữu cơ, sản phẩm sạch. Tương lai sắp đến có thể xuất đi được thêm nhiều nước", ông Đinh Văn Dũng cho hay./.
***
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 35 DTTS, với hơn 82 ngàn đồng bào, sinh sống tại 28 xã vùng miền núi. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Khánh Hòa kêu gọi, hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển vùng miền núi. Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đang có các chính sách hỗ trợ xây dựng các tuyến, điểm du lịch cộng đồng tại miền núi.