Đặc biệt, học sinh từ 16-18 tuổi sử dụng xe gắn máy rất phổ biến, tuy nhiên, hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT của các cháu gần như đang là con số 0, khiến nguy cơ tai nạn rất cao.
Dẫn số liệu sở hữu xe máy thuộc hạng cao hàng đầu thế giới, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG cho hay, đến thời điểm tháng 9/2024, cả nước đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tỷ lệ sở hữu cao, song việc chấp hành các quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi đi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường… vẫn diễn ra thường xuyên, và thực tế cũng đã xảy ra không ít vụ TNGT từ việc không chấp hành các quy tắc giao thông cơ bản, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh.
"Chúng ta có thể sẽ rơi vào một cái bây, là bẫy cơ giới hóa phương tiện đi lại. Trẻ em đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy ở đây là có dung tích nhỏ hơn 50cc. Theo quy định của pháp luật hiện tại thì nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiểnloại xe này độc lập mà không cần bằng lái. Cái nguy hiểm ở đây là đối với nhóm đó thì kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ, thế nhưng các em lại độc lập điều khiển ptrong một dòng giao thông hỗn hợp, phức tạp như người lớn. Điều đó đặt những trẻ em vào những rủi ro cao hơn", TS Trần Hữu Minh cho biết.
Qua phân tích của Cục CSGT, Bộ Công an về nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, phương tiện xe máy gây ra trong 10 tháng đầu năm 2024 vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn. Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý; tuy nhiên, cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, nếu không hành động, thách thức ngày càng lớn, không chỉ là 60% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy mà có thể còn gia tăng cao hơn khi việc chấp hành pháp luật của người điều khiển mô tô, xe máy không được cải thiện, tốc độ gia tăng phương tiện này không hạn chế...
Đặc biệt, chỉ trong một tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm luật giao thông cho thấy, đã có hàng chục nghìn trường hợp vi phạm bị xử lý. Bởi vậy, thời gian tới, cần tập trung xử lý vì đây là đối tượng dễ tổn thương, lấy hướng dẫn, giáo dục là chính khi xử lý.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung: "Có trên 4 triệu trẻ em, học sinh có độ tuổi từ 16-18 tuổi, điều kiện và thực tế của các cháu sử dụng xe gắn máy rất phổ biến, tuy nhiên, hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông gần như vẫn đang là số không. Đấy là một thực tế. Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh và chỉ trong một tháng cao điểm thôi, đã xử phạt trên 80 nghìn trường hợp vi phạm".
Phát biểu tại hội thảo Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 4/11, TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay, theo Báo cáo An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2023 của WHO, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam đã giảm 43,5%, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức giảm trên 30% trong thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ lần thứ nhất.
Tuy nhiên, để tiếp tục kéo giảm TNGT đối với người đi xe máy, cần tiếp tục thực hiện các chiến dịch truyền thông, giáo dục an toàn giao thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng sử dụng xe máy chiếm đa số.
"Xe máy là phương tiện có mức độ nhạy cảm và rủi ro xảy ra TNGT đối với người điều khiển là rất cao khi so sánh với tất cả các phương tiện khác. Vì vậy, việc tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, cái TNGT do mô tô, xe máy gây ra cũng để lại hậu quả rất to lớn đối với người dân và xã hội", TS Khuất Việt Hùng nói.
Bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong châu Á kiến nghị, để giảm thiểu TNGT, chấn thương và tử vong liên quan đến xe máy gây nên, cần sự phối hợp đồng bộ, trong đó có sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, các đơn vị thực hiện các hoạt động trong an toàn giao thông, doanh nghiệp sản xuất mô tô, xe gắn máy…:
"Sự phối hợp đó sẽ giúp chúng ta đưa ra một giải pháp tổng thể về hạ tâng, về hành vi an toàn lái xe, cũng như các hành vi mà mình có thể can thiệp để mang lại an toàn cho người lái xe, đơn giản như đào tạo an toàn cho người lái xe và ở đây trong tỷ lệ dân số có rất nhiều người trẻ và người trẻ sử dụng xe gắn máy như một phương tiện giao thông chính"
Bà Hoàng Thị Na Hương cũng cho biết, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đang thực hiện một nghiên cứu về mối liên hệ giữa thị lực và an toàn khi lái xe, để từ đó đánh giá một khía cạnh rất mới, mang lại an toàn cho giới trẻ khi lái xe.
Các giải pháp đồng hành, từ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực thi pháp luật, đến cải thiện hạ tầng, cũng như các yếu tố tác động đến người lái xe sẽ góp phần nâng cao an toàn cho người đi mô tô, xe máy.
Quách Đồng/VOV - Giao thông