“Giá bán nhà ở xã hội vẫn còn khá cao so với thu nhập của người là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội. Nên chăng các địa phương cần phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân có thể tiếp cận được dễ dàng hơn”.
Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Người sở hữu nhà ở xã hội không phải trong diện được thụ hưởng ưu đãi
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, một trong những vấn đề gây bức xúc trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội là đối tượng được tiếp cận nghèo xã hội có khi chưa đúng.
“Có một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay thu nhập thấp”, đại biểu đoàn Hải Dương nêu ý kiến.
“Mặc dù báo cáo của các địa phương cho thấy cơ bản các sở, ban, ngành tuân thủ quy định của pháp luật khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội. Thế nhưng có những dự án nhà ở xã hội, tôi thấy chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên mạng xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng.
“Nếu có cuộc thanh tra kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không đúng đối tượng được ưu đãi. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc lách luật để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp thì càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn”, nữ đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.
“Tôi đề nghị bổ sung một nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, do giá bán nhà ở xã hội vẫn còn khá cao so với thu nhập của người dân là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần đặc biệt chú ý phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.
Tăng cường loại hình nhà ở xã hội cho thuê
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội cho rằng, nhà ở xã hội là những người không có nhiều tiền. Thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không có tiền tích lũy để trả tiền mua nhà, thậm chí là không đủ tiền tích lũy để trả tiền lãi vay ngân hàng nếu được vay để mua nhà.
“Vậy thì làm sao người ta có đủ tiền để mua nhà? Chính vì vậy, thực tế trong nhiều năm qua những người thu nhập thấp được mua nhà thì sau 5 năm được phép bán, một số đông đã bán nhà đi để dùng tiền đó trang trải nợ nần và làm việc khác”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ.
“Tôi đề nghị cần phải tăng phân khúc nhà ở xã hội cho thuê đối với người thu nhập thấp. Người có thu nhập thấp thì có thể thuê nhà ở suốt đời. Khi tích lũy đủ tiền, sẽ dùng tiền để chuyển sang mua nhà ở thương mại và dành quỹ nhà đó cho những người thu nhập khác vào thuê”, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.
Theo đại biểu, phát triển nhà ở xã hội cho thuê không thể dựa vào doanh nghiệp, bởi đầu tư nhà ở cho thuê là bỏ tiền cục và thu tiền lẻ, thậm chí tiền lẻ còn không đủ để bảo dưỡng, vận hành nhà đó.
“Chúng ta không thể trông chờ là doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị mà cần phải có một quỹ dành riêng cho đầu tư phát triển nhà ở cho thuê. Do vậy, tôi đồng tình với việc hình thành quỹ đầu tư phát triển xã hội, lấy 20% từ tiền thu sử dụng đất nhà ở xã hội của các dự án nhà thương mại để hình thành quỹ này”, đại biểu Hà Nội cho hay.
Nhà ở xã hội: Mục tiêu cao, nguồn lực lớn
Trước đó, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Trong đó, mới có 373 dự án hoàn thành với quy mô 193.920 căn.
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát quốc hội, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra cao nhưng nguồn lực để thực hiện mục tiêu chưa đáp ứng tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn.
Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn (nhất là trong thời kỳ 2020 - 2023 là giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai thực hiện 7 gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở. Một số gói đã mang lại hiệu quả tích cực, song một số gói giải ngân còn hạn chế.
Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang triển khai giải ngân đạt kết quả thấp. Nhiều địa phương phản ánh, việc vay vốn từ gói tín dụng vẫn thực hiện theo quy định chung của ngân hàng, với các yêu cầu về điều kiện vay vốn tương tự đối với các dự án kinh doanh thương mại khác.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cho rằng thủ tục UBND cấp tỉnh công bố danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ là không cần thiết, thêm tầng nấc, do đó cần bãi bỏ thủ tục này và thay thế bằng văn bản của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều kiện về hồ sơ pháp lý để các ngân hàng thương mại kiểm tra trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn để các chủ đầu tư sớm tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo VOV.VN