Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các đại biểu nhất trí cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra bước phát triển vượt bậc của ngành quảng cáo, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức quảng cáo, cách tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc quản lý nội dung quảng cáo. Vì vậy, Luật Quảng cáo năm 2012 cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy và phương thức quản lý mới nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành; góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bổ sung một số chính sách về quản lý quảng cáo trên mạng, trong đó có việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng, liên quan đến trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xác định quảng cáo trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao về quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng quy định này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như có giải pháp về kỹ thuật để triển khai thực hiện. Ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để bảo đảm nguồn lực thi hành hiệu quả.
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội băn khoăn, thực tế các tiktoker của Việt Nam khá nổi tiếng thu hút được rất nhiều người xem trong các kênh quảng cáo. Nhưng vì họ chưa được đào tạo họ rất hồn nhiên cho nên họ có những sai phạm về chính trị rất đáng tiếc. Tuy nhiên nội dung đào tạo nhân lực trong dự thảo còn rất “dịu dàng”. Bởi nếu như Bộ Văn hóa thể thao chịu trách nhiệm về việc đào tạo này thì câu hỏi đặt ra là hỏi Bộ văn hóa thể thao có bao nhiêu trường quản lý và có ngành đào tạo này trong các trường cơ sở?
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm, quảng cáo là 1 trong 12 nhóm ngành của công nghiệp văn hóa, nhưng chúng ta đặt ra chính sách về đào tạo riêng cho lĩnh vực quảng cáo thì liệu có phù hợp hay không? Nhà nước muốn ban hành về chính sách quảng cáo thì cần phải đồng bộ với các chính sách khác. Vì công tác đào tạo hiện nay đã có luật giáo dục, luật về giáo dục nghề nghiệp, rồi các chương trình các đề án có tính chất đặc thù trong nghề nghiệp cũng băt đầu được đề cập rồi.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện một thị trường quảng cáo số minh bạch, lành mạnh và thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Trong đó, từng bước siết chặt quản lý trong lĩnh vực quảng cáo cũng như có những quy định cụ thể, rõ ràng để chấn chỉnh và xử lý nghiêm những quảng cáo không đúng sự thật.