Mở rộng đối tượng được hỗ trợ BHYT, cần tính đến sự bền vững của quỹ bảo hiểm

Đại biểu Quốc hội đề xuất từ 1/7/2025, người dân từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không có lương hưu, trợ cấp được nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế.

 

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều 24/10, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh đề nghị xem xét bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ hưởng bảo hiểm y tế

Lý giải về đề xuất này, đại biểu đoàn Trà Vinh cho biết, theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được nhà nước quan tâm chính sách xã hội.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không hưởng trợ cấp hằng tháng thì được trợ cấp xã hội và phát thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.

(Ảnh minh họa)

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội và có thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

“Tuy nhiên, đối với người từ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi mà không hưởng lương hưu, trợ cấp thì không có thẻ bảo hiểm y tế do nhà nước đóng. Tôi đề nghị đưa nhóm đối tượng từ 60 tuổi đến 80 tuổi, từ thời điểm 1/7/2025 thì người từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi được nhà nước đóng thẻ bảo hiểm y tế”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn.Cũng góp ý kiến về đối tượng được hưởng hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn cho rằng cần bổ sung thêm người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn thuộc khu vực 2, khu vực 3, hoặc thôn khó khăn của miền núi.

“Người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã mới được phê duyệt là vùng 1 (các xã mới được công nhận nông thôn mới) vẫn chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn. Họ không có điều kiện nhiều để tiếp cận chính sách bảo hiểm y tế. Việc này có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế dẫn tới phát sinh hộ nghèo, hộ tái nghèo”, đại biểu đoàn Lạng Sơn lý giải.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh.Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh cũng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ bảo hiểm y tế để hướng tới mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh và giảm chi tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, sự mở rộng phạm vi quyền lợi của bảo hiểm y tế cần dựa trên nguyên tắc cân đối thu - chi và tính ổn định, bền vững của quỹ bảo hiểm y tế.

“Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, tổng thể về tình hình kinh tế xã hội cũng như khả năng của người tham gia bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước, người sử dụng lao động, tác động của việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh... cũng như chính sách thông tuyến đến khả năng chi trả của quỹ này”, nữ đại biểu nêu ý kiến.

Cần giải bài toán đồng bộ hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, bảo hiểm y tế cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng hệ thống y tế Việt Nam một cách ổn định và vững vàng. Để phát triển được hệ thống y tế cơ sở cũng như y tế chuyên sâu, chúng ta phải có những bài toán đồng bộ.

“Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đi cứu chữa kịp thời thì phải có chính sách để ngay bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Người dân có thể ở ngay tại địa phương chứ không phải về tận Hà Nội hay TP.HCM mới khám chữa bệnh được”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.“Liên quan đến đối tượng hưởng ưu đãi về bảo hiểm y tế, có ý kiến liên quan đến người dân ở vùng ATK, người dân tộc thiểu số ở vùng 2, 3 chuyển từ khu vực 1. Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo chúng tôi cũng rất muốn thể chế hóa trong quy định của luật. Tuy nhiên qua lấy ý kiến của các cơ quan thẩm, đối tượng nào được hưởng sẽ đưa vào Nghị định của Chính phủ để đảm bảo đúng theo nguyên tắc xây dựng luật pháp mà Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tại đầu kỳ họp lần này”, Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích.

Về chính sách đầu tư cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đã báo cáo với Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng và trình lên Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25 về tăng cường hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới.

“Đây là quan điểm chỉ đạo có thể nói là rất lớn của Ban Bí thư liên quan đến hệ thống y tế cơ sở”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

“Từ chỉ thị đến những chương trình, những dự án cụ thể để hỗ trợ cho y tế cơ sở chúng tôi rất mong Quốc hội với vai trò của mình sẽ có những chương trình dành cho hệ thống y tế cơ sở. Bởi vì đây là chủ yếu tập trung cho tuyến địa phương, vùng sâu, vùng xa”, bà Đào Hồng Lan bày tỏ.

Vân Anh/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận