Những năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện Đề án sắp xếp dân cư. Đây là chương trình đầu tư cho miền núi lớn nhất sau 27 năm tái lập tỉnh Quảng Nam. Hàng trăm tỷ đồng đã được tỉnh Quảng Nam đầu tư để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, giúp hàng vạn hộ dân đến nơi tái định cư an toàn, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Gần 20 năm trước, lãnh đạo huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp dân lấy ý kiến và bàn chủ trương di dời gần 100 ngôi nhà các hộ dân sống ở các sườn đồi, nguy cơ sạt lở lớn.
Là một huyện vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn nhưng huyện Tây Giang đã đi đầu trong việc sắp xếp, bố trí dân cư khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở mới an toàn. Làng Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang là ngôi làng miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thí điểm sắp xếp lại dân cư. Ông Bling Phát, Trưởng thôn Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang cho biết, dân làng ai cũng vui mừng khi được sống ổn định trong những ngôi nhà kiên cố tại nơi tái định cư: “Đời sống bà con ổn định. Thời gian vừa rồi xảy ra nhiều thiên tai rất nhiều nhưng ở thôn mình thiệt hại ít so với các địa phương khác”.
Trước đây, 86 hộ dân thôn Arâng, xã Axan, huyện miền núi cao Tây Giang sống rải rác trên các triền đồi hoặc ven suối, thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở, lũ quét trong mùa mưa bão. Sống ở những nơi địa hình khó khăn, cuộc sống người dân khổ trăm bề. Cơ sở vật chất, điện, đường, trạm y tế, trường học… chưa được đầu tư đúng mức. Sau khi có chủ trương di dời 86 hộ dân về khu tái định cư mới với các thiết chế về văn hóa, giáo dục và y tế được đầu tư khang trang đã giúp bà con an cư lạc nghiệp.
Anh Alăng Tú, thôn Arâng, xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì đường, trường, trạm và điện đều có. Nhà nước đầu tư đủ thứ, như mặt bằng, hỗ trợ nhà ở”.
Đến nay, huyện miền núi cao biên giới Tây Giang đã di dời hơn 6.000 hộ dân về nơi ở mới với mạng lưới cơ sở vật chất kiên cố, khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đổi thay từng ngày. Với phương châm "lo xa để tránh họa gần", việc xây dựng làng mới và khu định cư không chỉ tạo nơi ở an toàn cho nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Tây Giang. Ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Huyện Tây Giang đã sắp xếp được 132 mặt bằng. Nhờ làm tốt công tác sắp xếp dân cư nên đời sống của người dân rất ổn định”.
Từ thành công của chủ trương sắp xếp, bố trí dân cư ở huyện vùng cao Tây Giang, năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết sắp xếp lại dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đề án này, mỗi hộ tái định cư được hỗ trợ mặt bằng, tiền mua vật liệu và xây dựng các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam đã bố trí ngân sách hàng trăm tỷ đồng để tổ chức di dời, tái định cư cho khoảng 7.000 hộ dân từ nơi chịu ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở mới an toàn.
Sau các đợt sạt lở vùi lấp nhiều ngôi làng, hàng chục người tử vong, tỉnh này tiếp tục huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hoá để xây dựng nhiều khu dân cư đưa người dân vùng ảnh hưởng thiên tai vào ở. Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến mỗi năm đầu tư 60 tỷ đồng cho 6 huyện miền núi cao xây dựng các khu tái định cư mới: “Về phương án lâu dài, tỉnh sẽ huy động nguồn lực để khẩn cấp xây dựng các khu tái định cư an toàn. Nguồn vốn từ nguồn dự phòng. Nếu nguồn dự phòng không đảm bảo thì sẽ ứng trước ngân sách để giải quyết trước những khó khăn có nguy cơ sạt lở cao, cương quyết bố trí vốn trước để triển khai”./.