Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá

Trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, có khoảng 69 chất gây ung thư. Nếu hút thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm.

 

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”. Chương trình có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế, nhằm thảo luận và đề xuất giải pháp chính sách thuế hiệu quả để giảm tác hại của thuốc lá.

Nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

Toàn cảnh Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”.

Những tác hại kinh hoàng của thuốc lá

Tại tọa đàm, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, có khoảng 69 chất gây ung thư. Nếu hút thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trong đó, gây nên các bệnh về ung thư như ung thư họng, ung thư hầu họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư đại tràng, ung thư bàng quang… Ngoài ra, hút thuốc cũng gây ra các bệnh mạn tính như: đột quỵ, viêm phổi, xơ vữa mạch ngoại vi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, tác hại tới sức khỏe sinh sản, sinh dục…

Ung thư phổi tỷ lệ cao gấp 10 - 20 lần; Bệnh mạch vành: nguy cơ tăng 10 - 15 lần, gây nhồi máu cơ tim; Xơ vữa động mạch: cao hơn 1,5-2 lần; Tai biến mạch máu não: cao gấp 2-4 lần.

Ông Lê Quang Minh - Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát biểu khai mạc.

Hút thuốc lá cũng làm giảm khả năng sinh dục, gây bất lực, tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới; Thuốc lá còn gây nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc và có thể khiến thai chết lưu...

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Tại Việt Nam, hơn 100.000 ca tử vong do thuốc lá, 84.500 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và 18.800 ca do hút thuốc lá thụ động.

Về tác hại của hút thuốc lá thụ động, BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho hay, mỗi năm có khoảng 890.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động; 64% số ca tử vong do hút thuốc thụ động là nữ.

Ngoài những tác hại do hút thuốc và hút thuốc lá thụ động thì tác hại của các nhóm sản phẩm thuốc lá mới cũng được đề cập tại tọa đàm. Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hiện, có gần 20.000 nhóm sản phẩm theo hương vị khác nhau. Thành phần và khí tỏa thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống thuốc lá điếu. Hút thuốc lá gây nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường, như hô hấp, tim mạch, ung thư, tâm thần kinh, bệnh về răng miệng…

Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Nhiều người lo ngại, ngoài các tác hại kể trên thì nguy cơ trộn lẫn ma túy tổng hợp trong thuốc lá điện tử là rất cao. Đáng nói, trong năm 2023 đã có tới 47 vụ liên quan tới ma túy trong thuốc lá điện tử. Có những vụ cơ quan chức năng bắt giữ tới hơn 100.000 sản phẩm, mới đây, đã bắt đối tượng ở quận Hoàng Mai với 3.500 sản phẩm e-cigarttes trộn ma túy; 84 lít tinh dầu có chứa ma túy; phụ kiện để làm 10.000 sản phẩm.

Tỷ lệ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử cao và nguy cơ ngộ độc cấp sau khi dùng. Theo số liệu từ 700 bệnh viện, năm 2023 có tới hơn 1.200 ca cấp cứu vì thuốc lá điện tử.

Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế.

Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án. Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Th.s Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam.

Th.s Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho hay, 2 phương án này dù được đánh giá là bước đi đúng hướng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất trong gói chính sách MPOWER của Tổ chức Y tế thế giới: 4% ở các nước thu nhập cao; 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; Khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng thuốc hút và một nửa là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với thay đổi về giá; giá tăng 10% giảm tiêu thụ 10%.

Hút thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.

Việt Nam có giá thuốc lá thấp so với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và đứng thứ 151/161 các quốc gia trên thế giới.

“Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam đã giảm dần trong hơn thập kỷ qua nhưng tỷ lệ hút thuốc nam giới vẫn ở mức cao và nằm trong 10 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới; Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở trẻ em có xu hướng giảm, nhưng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt gia tăng tỷ lệ nữ sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử; Trẻ em dễ bị bắt đầu hút thuốc và không có khả năng bảo vệ mình khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên cần những giải pháp chính sách để bảo vệ. Do đó thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng trong giảm tiêu dùng thuốc lá, nhưng các lần điều chỉnh/tăng thuế ở Việt nam chưa đủ mạnh để giảm tiêu dùng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới”, Th.s Lê Thị Thu cho biết.

Những thách thức đặt ra trong thực thi chiến lược

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Y tế đã chỉ ra một loạt các thách thức có thể đe dọa đến việc thực thi chiến lược giảm tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam đến năm 2030.

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới trong khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm qua đã giảm đáng kể. Ví dụ, tại Trung Quốc, Hồng Kong đã giảm xuống mức 20% và 9%.

Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới khiến gia tăng người mới bắt đầu sử dụng thuốc lá. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống 36%.

Về lịch sử tăng thuế, bà Hương cho biết, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vào năm 1999 với mức thuế 45%; Trong giai đoạn 2006-2007 là 55%. Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: Năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; Năm 2016, tăng từ 65% lên 70% và năm 2019 (tiếp sau 3 năm), tăng từ 70% lên 75%.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chuyên viên Vụ pháp chế, Bộ Y tế.

Các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp, bên cạnh đó, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với giá sản phẩm thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới, vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.

Ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người; Tổn thất kinh tế do các bệnh do thuốc lá gây ra lên tới 1,14% GDP năm 2022. Gánh nặng lên hệ thống y tế quá tải; Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Tổ chức này cho biết thêm, tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải ở mức cao, đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng hiệu quả.

Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.

Kinh nghiệm thế giới và những khuyến nghị

Theo bà Angela Pratt, Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), tỷ lệ hút thuốc lá cao đang đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và khát vọng dài hạn của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (tới trên 40%) là do giá thuốc lá rất rẻ, nguyên nhân là do thuế rất thấp. Khi thu nhập tăng lên nhưng giá thuốc lá thì không theo kịp và theo thời gian giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ mua hơn. Giá cả và thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, xu hướng quốc tế là hướng tới mức thuế thuốc lá ngày càng cao hơn.

Trên thế giới, khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Những quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá ngày càng đắt đỏ, khó mua hơn, qua đó đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc trong một thời gian tương đối ngắn. Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc.

Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Tại Philippines, trong giai đoạn từ 2012 - 2022 việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc. Trong thời kỳ này, thu thuế thuốc lá của chính phủ đã tăng đáng kể - từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD.

“Việc tăng thuế thuốc lá đang ngày càng được sử dụng trên toàn thế giới để ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để dành cho các ưu tiên của chính phủ”, bà Angela Pratt khẳng định.

Cũng theo bà Angela Pratt, giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm. Các tổn thất này nếu không được ngăn ngừa sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế và tương lai của Việt Nam.

“Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn thông qua việc tăng thuế cao hơn để đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm hút thuốc và biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và cứu nhiều mạng sống. Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân, qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn”, bà Angela Pratt nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận