Xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người nghèo để tạo sức bật nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Định hướng giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có mức hỗ trợ cho một dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án (DA), kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn triển khai các quy định trong thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia
Với phương châm cầm tay, chỉ việc, cùng tham gia, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể, với số vốn được giao thực hiện trong các năm 2022,2023, 2024 là 125.980 triệu đồng, đến nay, đã triển khai bước đầu cho 249 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (dự án trồng trọt 36; dự án chăn nuôi 207; dự án lâm nghiệp 04; dự án thủy sản 02) với 6.816 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi. Chi cục Phát triển nông thôn đang cử các đoàn công tác tích cực đôn đốc các địa phương giải ngân số vốn trên nhằm đạt kết quả cao nhất với đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Chi cục đã trực tiếp triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị để hỗ trợ cây, con giống; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người nghèo, cận nghèo và người dân trên địa bàn 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, từ đó tạo điều kiện cho các hộ dân áp dụng, động lực để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời từ việc nhân rộng các mô hình này đã giúp người dân có các hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu nhập bền vững cho người dân, góp phần giảm nghèo bình quân của cả tỉnh 1,5%, riêng các huyện nghèo từ 5%/năm.
Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Để phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững được cấp trên giao Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nhất là đội ngũ làm công tác giảm nghèo và người nghèo về việc giảm nghèo, mục tiêu hướng tới người nghèo “không để lại ai ở phía sau”, động lực chủ yếu từ người nghèo. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra … để tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại nhà nước, sự tham gia cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng. Trong lập dự án phải tuân thủ nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh từ cơ sở, Chi cục thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chương trình. Qua đó, các khó khăn vướng mắc, các vấn đề phát sinh được giải quyết kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao./.