Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Giáo dục. Theo đó, dự thảo luật có đề xuất việc miễn học phí cho con em nhà giáo chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên.
Theo một hiệu trưởng cấp trung học cơ sở ở TP.HCM, sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành sư phạm là rất đáng trân trọng. Song hiện nay, lực lượng chiếm số đông trong xã hội là công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, thầy hiệu trưởng cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến lần thứ hai, có đề xuất việc miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác là không nên, dễ tạo nên suy nghĩ về "sự phân biệt, đối xử" với những ngành nghề khác.
Vị hiệu trưởng cho biết, giáo viên ở TP.HCM đang được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân thành phố, ít nhiều có những người mức lương cao hơn nhiều ngành nghề khác. "Hệ sống lương của giáo viên vừa rồi cũng đề xuất tăng lên, tôi nghĩ thế là đủ rồi, vì nếu giờ thêm như vậy xã hội sẽ có so bì, tại sao nhà giáo đã có điều chỉnh lương mà giờ lại thêm đề xuất này nữa, tôi nghĩ là không phù hợp nhất là trong giai đoạn hiện nay", vị hiệu trưởng này cho biết thêm.
Tương tự, giảng viên của một trường đại học ở TP.HCM cho rằng, mức thu nhập hiện tại của giáo viên, giảng viên có thể lo được cho con cái học ở trường công lập. Do đó, giảng viên này thấy rằng, việc đề xuất như trong dự thảo Luật Nhà giáo là không hợp lý cho tất cả mọi người.
Giảng viên này cũng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính phương án miễn, giảm học phí cho học sinh trên cả nước, thay vì chỉ miễn cho con nhà giáo, điều này sẽ tạo công bằng cho tất cả học sinh.
Còn chị Thu Thủy, giáo viên ở quận Bình Tân cho biết, rất trân trọng đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo về việc hỗ trợ học phí cho con em giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên Thu Thủy cho rằng nếu có ưu đãi gì cho giáo viên thì nên thay bằng những việc khác thiết thực hơn như chính sách tiền lương hoặc chế độ đãi ngộ khác thay vì miễn học phí cho con.
Còn một giáo viên khác giảng dạy tại một trường ở quận trung tâm TP.HCM cho rằng, việc miễn học phí cho con em giáo viên, giảng viên cần xem xét ở nhiều khía cạnh, bởi có những người cho con học trường công, trường tư.
Với bậc mầm non, có những giáo viên vì nhiều lí do phải gửi con ở trường tư từ sớm, do vậy mà thời gian và mức phí cũng khác nhau.
Còn bậc đại học, một số trường có mức thu học phí khá cao, chưa kể số năm đào tạo, hình thức đào tạo. Do đó, nếu dự án luật thông qua đề xuất này thì cần tính toán sao cho hợp tình hợp lý. Chỉ nên hỗ trợ từ lớp 1 đến lớp 12 là vừa phải nhất, điều này cũng giảm được kinh phí cho nhà nước thay vì cả bậc mầm non và đại học", giáo viên này nói.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần này, nếu đề xuất miễn học phí đến bậc đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian dạy học được thông qua, ước tính số tiền cần trả thêm hằng năm là hơn 9.200 tỷ đồng.
Điều này đang gây tranh cãi rất lớn và hầu hết nhiều nhà giáo cho rằng, nên cân nhắc kỹ đề xuất này. Bởi hiện nay, lương giáo viên đang được đề nghị xếp ở mức cao nhất trong bảng lương khối hành chính sự nghiệp.
Theo VOV.VN