Hà Nội tăng diện tích tách thửa tối thiếu là 50 m2, nhiều ý kiến trái ngược

Hà Nội áp dụng quy định mới về điều kiện tách thửa, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu 50m2.

Quy định tách thửa đất ở mới tăng 20m2 so với quy định hiện hành, vấn đề này nhận được nhiều ý kiến trái ngược từ người dân sinh sống ở Thủ đô đến các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai.

Ông Nguyễn Văn Long, sống tại quận Long Biên cho rằng: “Việc hạn chế tách thửa với diện tích nhỏ điều này sẽ khiến đất ở khu vực đô thị được quy củ, hạn chế được mật độ dân số khu vực nội đô, theo quan điểm của tôi đây là một quy định hợp lý”.

Trái ngược với ý kiến của ông Long, chị Nguyễn Hương Trà ở quận Hoàn Kiếm lại cho rằng những quy định này sẽ làm khó những người thu nhập trung bình có khả năng mua nhà.

“Với một mảnh đất 30 - 35 m2, giá khoảng 100 triệu đồng/m2, giá sẽ là khoảng 3 - 3,5 tỷ đồng; nhưng với mảnh đất 50 m2 trở lên giá sẽ từ 5 tỷ đồng trở lên. Điều này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nhà ở của những người thu nhập trung bình và khá” - chị Trà nêu ý kiến.

Việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn của Hà Nội sẽ tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm. Hà Nội kiểm soát chất lượng đô thị tốt hơn, sẽ không tạo ra những căn nhà có diện tích quá nhỏ, manh mún làm mất mỹ quan đô thị.

Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, trong đó mật độ dân số tập trung cao tại các quận, đấy cũng là một giải pháp để hạn chế mật độ dân số tiếp tục tăng.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, diện tích tách thửa ở nội đô cũ là 30m2, hiện nay những mảnh đất nào đủ điều kiện đều đã tách thửa hết. Do đó, quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa mới được áp dụng sẽ không tác động tới giá thành và thị trường quá nhiều.

“Việc tăng diện tích tách thửa cũng khiến khả năng tiếp cận nhà ở của một số người dân bị hạn chế. Khi tăng diện tích tách thửa thì giá trị căn nhà sẽ tăng cao; thành phố cần có chiến lược phát triển nhà ở xã hội trước khi áp dụng quy định mới để người dân có thể tiếp cận nhà ở” - TS. Nguyễn Văn Đính nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Việc phân lô, tách thửa thường diễn ra manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, làm khó cho việc triển khai đồng bộ hạ tầng xã hội nên cần thiết phải siết chặt. Lâu dài, cần phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn; sau đó công khai để người dân biết và đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, điều này sẽ hướng tới sự phát triển bền vững, khai thác được hết những nguồn lực đất đai".

Phương Hoài/VOV.VN
 

Bình luận

    Chưa có bình luận